Ông Nguyễn Hải Hiệp (bên phải), Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Binh đoàn Than kể về những kỷ niệm của đơn vị với PV Báo Giao thông
Gần đến ngày 30/4 lịch sử, những chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa hiện đang sinh sống tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) lại gặp gỡ, cùng nhau thăm hỏi thân nhân những đồng đội đã hy sinh. Dẫu tuổi đã cao, nhưng khi kể về những ngày vượt Trường Sơn, tham gia những trận đánh ác liệt cách đây gần 50 năm, đôi mắt các cựu binh ánh lên ngọn lửa tự hào.
Lời thề quyết tử “Đánh xong giặc Mỹ mới về vùng than”
Ông Bùi Duy Thinh, một trong những người tham gia cánh quân đánh thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 xúc động kể, năm 1967, trước sự leo thang bắn phá ác liệt miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai, nhằm đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sớm về đích, thanh niên ngành than đã hăng hái làm đơn lên đường nhập ngũ. Nhiều người còn viết huyết thư để tỏ rõ khí phách của những người con vùng mỏ.
Chỉ sau 4 ngày (từ 27/7 - 30/7/1967), vùng mỏ đã huy động đủ biên chế cho 3 tiểu đoàn với quân số khoảng 2.000 người. Ngày 30/7/1967, Binh đoàn Than chính thức được thành lập.
Sau thời gian huấn luyện, ngày 15/12/1967, trong lễ tuyên thệ xuất quân vào chiến trường, toàn Binh đoàn Than đã nguyện thề: “Trong chiến đấu, dù có phải hy sinh quyết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đánh xong giặc Mỹ mới về vùng than”.
Lễ xuất quân của Binh đoàn Than cuối năm 1967
Sau 50 ngày đêm hành quân gian nan, Binh đoàn Than đã tập kết đúng nơi quy định ở chiến trường B5, kịp tham gia chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Trong chiến dịch nổi tiếng này, Binh đoàn Than đã đánh chiếm điểm cao 689, 845, 833 và cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí chiến lược quan trọng.
Từ khi được thành lập đến ngày Giải phóng miền Nam, Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ. Đặc biệt là trong trận quyết đấu cuối cùng tại trung tâm đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn, nhiều cán bộ, chiến sỹ của Binh đoàn đã tham gia đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu Ngụy góp phần Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban
Liên lạc truyền thống Binh đoàn Than
Qua trận đầu thử lửa, chiến sỹ của Binh đoàn Than đã lập được những chiến công hiển hách. Tiêu biểu là chiến sỹ Phạm Xuân Hùng (công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai) cùng 2 đồng đội khác đã bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới của giặc. Hay như trận đánh vào kho xăng Nhà Bè, chiến sỹ Nguyễn Đức Bình (công nhân mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội đã tiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu của địch.
Rồi đến trận đánh trên sông Rạch Dừa, Trung đội trưởng Lại Ngọc Nhiếp (thợ mỏ Thống Nhất) đã bắn chìm 1 tàu, bắn hỏng 1 tàu, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ - Ngụy. Trong những trận đánh ác liệt ấy, nhiều đồng chí đã dũng cảm hy sinh khi cùng đồng đội xông lên chiếm các điểm cao.
Kết thúc chiến dịch Mậu Thân, 3 tiếng “Binh đoàn Than” đã trở thành niềm tự hào của nhân dân vùng mỏ và là nỗi khiếp đảm đối với kẻ thù. Sau khi biên chế lại, những cán bộ, chiến sĩ của Binh đoàn đã trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam cho đến ngày toàn thắng.
“Trải qua nhiều trận đánh ác liệt, nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong đời quân ngũ của tôi là thời khắc đánh vào trung tâm Sài Gòn ngày 30/4/1975. Đúng 6h sáng, đơn vị đã có mặt ở ngã ba Bảy Hiền. Sau khi đánh chiếm Trường sỹ quan Ngụy, chúng tôi được cô Vân, chiến sỹ biệt động Sài Gòn dẫn đường (sau này là nhân vật chính trong phim Cô Nhíp - PV) đánh chiếm trụ sở của Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Đúng 11h15 ngày 30/4/1975, chúng tôi đã làm chủ mặt trận này”, ông Bùi Duy Thinh, cựu chiến sĩ Binh đoàn Than bùi ngùi nhớ lại.
Kết thúc chiến tranh, hầu hết chiến sỹ trong Binh đoàn Than lại quay về kiến thiết và xây dựng vùng Mỏ đúng như lời tuyên thệ trước lúc lên đường đánh giặc.
Còn sức lực còn tìm đồng đội
Một chuyến bốc, quy tập hài cốt liệt sỹ của Ban Liên lạc truyền thống Binh đoàn Than
Nhắc về chiến công trong ngày 30/4/1975 lịch sử, giọng ông Thinh bỗng nghẹn lại: “Điều đáng tiếc là trong số 50 người của Binh đoàn Than tăng cường cho Trung đoàn 28 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Ngụy đợt ấy, đến phút cuối cùng, mặc dù cũng có hàng chục vết thương nhẹ trên người, nhưng chỉ còn duy nhất mình tôi thấy được ngày toàn thắng”.
Gần 2.000 cán bộ chiến sĩ Binh đoàn Than hăm hở lên đường vào Nam đánh giặc, nhưng đến ngày toàn thắng đã hy sinh mất hơn 1.000 người.
Trở về quê hương trong hòa bình, điều ông Thinh và các đồng đội trong Ban Liên lạc truyền thống Binh đoàn Than đau đáu là những đồng đội hy sinh vẫn nằm lạnh lẽo trong lòng đất nơi rừng sâu, núi thẳm hay chiến trường nước bạn. Lời hứa khi chiến đấu cùng chiến hào: “Nếu có đồng đội hy sinh thì người còn sống phải ghi nhớ đưa hài cốt anh em về quê hương” vẫn văng vẳng bên những người còn sống.
Bởi vậy, ngay từ những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, những cựu chiến binh ở những đơn vị thuộc Binh đoàn Than đã quyết định tổ chức các chuyến trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội.
Ông Nguyễn Hải Hiệp, Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Binh đoàn Than cho hay, có những chuyến đi tìm hài cốt đồng đội kéo dài cả tháng trời trên vùng chiến trường Binh đoàn Than từng tham gia chiến đấu.
Khí hậu ở những nơi này thường rất khắc nghiệt với những trận mưa giông bất chợt, nước đổ ào ào xuống các triền núi, vực sâu. Sau chiến tranh, nhiều vùng địa hình thay đổi do việc san gạt xây dựng công trình. Hơn nữa, do điều kiện thời chiến, việc chôn cất liệt sĩ có lúc không được làm kỹ lưỡng khiến việc tìm hài cốt đồng đội trở nên khó khăn gấp bội.
“Qua nhiều chuyến kiếm tìm, hàng chục bộ hài cốt của đồng đội đã được những chiến sỹ năm xưa của Binh đoàn Than bốc cất, đưa về quê mẹ. Giờ chúng tôi cũng vẫn vội vã lên đường khi có thông tin hoặc chợt nhớ lại chi tiết gì đó liên quan đến việc chôn cất với hy vọng sớm tìm được hài cốt của đồng đội”, ông Hiệp khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận