Xã hội

Chuyện nguyên quán trên căn cước công dân

24/04/2021, 06:36

Cả nhà Kính cận và Kính viễn đi làm căn cước công dân. Nửa đêm, các chiến sỹ công an vẫn tận tụy hướng dẫn bà con lăn tay, chụp ảnh…

img

Ảnh minh họa

Mọi người yên ắng thực hiện các hướng dẫn, không ồn ào nói chuyện riêng.

Bỗng đâu, một bác chừng 50 tuổi to tiếng: Tôi có khai ở thị trấn Khoái Châu đâu mà giờ tờ khai lại hiện ra thế này, ai đã thêm vào của tôi vậy?

Anh công an bối rối: Vì địa chỉ bác khai không đúng, không có xã nào là xã Tại Gia ở Khoái Châu cả.

Người dân: Thế anh bỏ nó cho tôi, chứ khai thế này lệch với các giấy tờ cũ khéo xuất ngoại tôi cũng bị giữ lại ý chứ.

Anh công an: Bác ra ngoài gọi điện hỏi kỹ lại cho cháu nguyên quán. Hệ thống tự động, không bỏ trống không khai được bác ạ, mà gõ xã Tại Gia thì nó không nhận. “Nó” thông minh lắm, cái gì không đúng là không nhập được chứ không như xưa, thích khai gì thì khai đâu bác ạ.

Người dân: Thế thì chết tôi rồi, ông bà đi kháng chiến, mất trong rừng, tôi có biết ai ở nguyên quán của cụ đâu mà hỏi. Xưa nay cứ khai thế thôi chứ chả biết quê ông nội mình ở đâu cả.

Mà tôi hỏi chú, khai nguyên quán, quê quán làm cái gì. Tôi khai thế bao đời nay có ai kiểm tra đâu, mà tôi thực cũng chưa về bao giờ, các cụ nói chiến tranh thất lạc hết rồi, giờ về không còn ai sống biết cụ nhà mình nữa.

Anh công an gãi đầu: Thì quy định thế, cháu phải làm theo. Bao thế hệ rồi vẫn thế, bác hỏi khó cháu quá.

Mọi người nghe câu chuyện từ đầu đến cuối bỗng ào ào góp ý. Một anh trông rất trí thức lên tiếng: Đúng thế đấy chú công an ạ. Cụ tôi quê Phú Yên, tập kết ra Bắc, sinh ra ông tôi ở Bắc Ninh, ông tôi theo mẹ lên Thái Nguyên tản cư, bố tôi sinh ở Thái Nguyên, đi học rồi đi làm ở Tuyên Quang, tôi sinh ở Tuyên Quang và lớn lên ở Hà Nội.

Giờ con tôi ở Hà Nội, quê hương “ba nơi, bốn chỗ” nhưng chưa biết mặt mũi Phú Yên là gì. Mỗi khi khai nguyên quán hay quê quán là Phú Yên, chúng nó thắc mắc ghê lắm.

Một cụ già gật gù: Giờ còn ai tra cứu nguyên quán làm gì nữa, chiến tranh loạn lạc, thất lạc, ghi như vậy cũng chả ai xác minh được. Tôi già rồi mà còn thấy quy định này lạc hậu.

Căn cước ghi nơi sinh và thường trú là đủ, nó không phải gia phả gia tiên mà ghi nơi sinh của cụ kỵ nhà mình. Cái gì cần thì giữ, cái gì thừa thì bỏ. Hiện đại nó phải thế chứ không chỉ quản lý bằng công nghệ là hiện đại đâu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.