Làm báo cùng Giao thông

Chuyện những cây viết “tay ngang”… làm báo

21/06/2018, 09:35

Có những người viết báo không phải vì nghiệp, cũng chẳng phải là nghề... nhưng đã tạo được những dấu ấn.

59

Ông Đoàn Văn Bửu có nhiều bài báo viết về người lao động ngành GTVT

“Vì bài báo của tôi mà có lần 2 anh công nhân lái máy san đường lúc về quê phải làm mấy mâm cơm mời hàng xóm, láng giềng và cán bộ xã đấy”, ông Đoàn Văn Bửu, nguyên Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam, hào hứng kể về kỷ niệm bài báo đầu tiên viết về những người công nhân đồng nghiệp được đăng Báo Giao thông cách đây vài chục năm.

Ông Bửu vốn học ngành cầu đường, ra trường năm 1974 nhận công tác tại một công ty cầu đường thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông I. Ông vào nghề bằng những tháng ngày ăn rừng ở núi, cùng đơn vị thi công tuyến đường Xuân Mai - Đá Chông, rồi vài năm sau mở những cung đường qua những đỉnh đèo dốc Sơn La, Lai Châu, Yên Bái.

Không biết viết báo, nhưng khi hằng ngày chứng kiến cảnh công nhân ngày đêm vất vả nắng mưa mở đường, ông Bửu bỗng nảy ý nghĩ phải viết để mọi người biết và cũng để động viên anh em trên công trường. “Lúc đầu tôi chỉ dám viết tin ngắn gửi Báo Giao thông về tình hình thi công, năng suất, thi đua giữa đội này với đội kia trong công ty. Tin gửi đến được tòa soạn phản hồi, góp ý và khuyến khích nên mới dám viết tin dài, viết bài”, ông Bửu nhớ lại.

Trong công tác Công đoàn ngành, ông có điều kiện đến với người lao động từ công trường đường bộ, đường sắt, đến những người gác đèn biển, đường thủy và hiểu hơn cuộc sống của công nhân trong ngành GTVT. “Làm báo tay ngang không có điều kiện để viết các bài chống tiêu cực như nhà báo chuyên nghiệp, nhưng một số bài của tôi cũng giúp bảo vệ quyền lợi người lao động. Nhưng từ ngữ trong bài chỉ nhẹ nhàng mang tính góp ý để lãnh đạo các đơn vị khỏi “tự ái”, ông Bửu kể.

Trong số hàng chục người viết báo “tay ngang”, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm, cách đây vài tháng cũng được bầu làm Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN cũng được nhiều người biết đến với tài kinh doanh kiêm viết văn, viết báo, từng làm Trưởng đại diện Tạp chí Nhà văn tại Tiền Giang.

Ông Liêm cho biết, ông sinh ở Thái Bình, nhưng sau khi đi lính đã hơn 40 năm gắn bó với mảnh đất Tiền Giang, với nghề kinh doanh vận tải thủy ở đồng bằng sông Cửu Long hơn 40 năm. Ông đã xuất bản hàng chục tập thơ, văn xuôi và lý luận phê bình, nhiều bài báo về cuộc sống miền Nam bộ, đời sống và nghề vận tải sông nước ở phía Nam. Những bài báo của ông thường ngắn gọn và “nói thẳng, nói thật” về thực tế của lĩnh vực đường thủy. Phần nhiều là các kiến nghị, đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho người làm vận tải thủy, doanh nghiệp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.