Dư luận gần đây xôn xao vì hình ảnh các phao cứu sinh được gắn trên thành cầu Chương Dương, Long Biên, Đông Trù...
Phao cứu sinh treo trên cầu Long Biên, Hà Nội
Nhiều người ủng hộ nhóm tài trợ và cho rằng đây là việc làm cần thiết.
Với nhiều sức ép từ kinh tế, môi trường, quan hệ gia đình, ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp tử tự, và không ít người tìm đến phương thức nhảy cầu tự vẫn. Những lúc đó việc cứu người vô cùng khó khăn. Thay vì chỉ huy động người hỗ trợ, tìm kiếm dưới lòng sông thì việc thả phao từ trên cầu xuống là một phương án tốt.
Tất nhiên, phao có đến được vị trí người tự tử hay không còn chờ may rủi nhưng chí ít nó cũng là dụng cụ hỗ trợ cho người cứu hộ.
Tuy nhiên, phao vừa treo lên thành cầu vài hôm đã biến mất.
Hóa ra, đơn vị quản lý cầu cho biết "tạm thu" vì phao được treo lên chưa có sự trao đổi với đơn vị quản lý.
Hẳn là họ đang tìm phương thức quản lý, có cho treo hay không? Treo thì bảo quản cách nào?
Việc này đang gây dư luận trái chiều, nhiều người cho biết, dù tự phát nhưng đây là một việc làm nhân văn cần được ủng hộ, không nên gây khó khăn. Một số người khác lại đặt vấn đề: Cầu không phải vô chủ, có đơn vị quản lý, nếu ai thích treo gì thì treo, chả mấy chốc nó sẽ đầy các biển quảng cáo hay vật trang trí.
Thiết nghĩ, nếu có thể thực hành, đánh giá hiệu quả việc thả phao cứu sinh trong việc cấp cứu người đuối nước, người tự tử dưới lòng sông thì việc quyết định có cho treo phao lên thành cầu hay không sẽ được quyết định nhanh hơn, có cơ sở hơn.
Việc này, nếu nhà nước không làm được, hẳn nhóm tài trợ phao sẵn sàng làm nốt và quay video thực chứng.
Những việc gì đúng, tốt, nên làm, dư luận xã hội sẽ ủng hộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận