Tài chính

Chuyện về người “thuyền trưởng” của PVTrans

05/06/2022, 14:19

Khi nói về PVTrans, nhiều người nghĩ đến hành trình vượt khó ngoạn mục từ năm 2011 đến nay của một doanh nghiệp vận tải biển bên bờ vực phá sản.

Nếu ví PVTrans là con tàu khổng lồ thì Chủ tịch HĐTV Phạm Việt Anh (nguyên Tổng giám đốc từ năm 2007 - 2021) xứng đáng là thuyền trưởng, theo đúng những ý nghĩa tốt đẹp nhất của tên gọi này.

img

Chủ tịch HĐTV PVTrans Phạm Việt Anh

Cứu PVTrans khỏi “chết chìm” trong dự án đóng tàu 4.000 tỷ

Năm 2006, theo chỉ đạo của lãnh đạo PVN, PVTrans đã ký hợp đồng đóng 3 tàu chở dầu thô với Vinashin có tổng mức đầu tư 220 triệu USD (khoảng 4.000 tỷ đồng lúc đó).

PVTrans cũng đã đặt cọc 10%, 22 triệu USD cho cả 2 tàu và tàu thứ nhất được đặt keel laying (công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất) vào cuối năm 2006.

Từ một doanh nghiệp sắp phá sản, PVTrans đã trở thành doanh nghiệp vận tải biển hàng đầu của Việt Nam và có uy tín ở khu vực, đã chứng minh được sự đúng đắn trong công tác điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo PV Trans - đặc biệt là trong giai đoạn PVN liên tục phải đối chọi với những cuộc “khủng hoảng kép” do giá dầu giảm sâu, dịch bệnh Covid-19.
PVTrans đã vượt qua các cuộc khủng hoảng kép đó một cách ngoạn mục và ngày càng củng cố vị thế của mình trong thị trường vận tải biển.

Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN Hoàng Quốc Vượng


Sau 1 tháng nhận nhiệm vụ tại PVTrans, Phạm Việt Anh trực tiếp ra kiểm tra và làm việc về dự án đóng tàu tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất (DQS).

Nhưng sau khi khảo sát và làm việc trực tiếp với DQS, Phạm Việt Anh nhận thấy năng lực hiện tại của Vinashin và DQS khó đảm bảo tiến độ, chất lượng cho dự án.

Dù thời ấy (năm 2007 - 2008), Vinashin còn rất mạnh, được coi là “quả đấm thép” của ngành đóng tàu Việt Nam. Còn ông Phạm Thanh Bình cũng được coi là cực kỳ quyền lực trong giới doanh nhân.

Ngay lập tức, Phạm Việt Anh đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo PVN và đề nghị làm việc, đàm phán sửa đổi lại hợp đồng với Vinashin.

Phương án của Phạm Việt Anh là chỉ đóng 1 tàu, còn 1 tàu nữa cho PVTrans mua, 1 tàu còn lại là option (phương án tùy chọn, nếu đóng tàu 1 tốt thì mới chọn).

Thời điểm đó, lãnh đạo PVN cũng e dè. Hợp đồng đã ký. Mà Vinashin vẫn cam kết đảm bảo tiến độ. Cuối cùng Phạm Việt Anh cũng đã thuyết phục được lãnh đạo PVN.

Tuy nhiên đàm phán với Vinashin không hề dễ dàng. Ông Phạm Thanh Bình thì rất “điên tiết" trước những lý lẽ của Phạm Việt Anh và khó chịu ra mặt.

Tuy nhiên bằng bản lĩnh, sự quyết liệt, nhất quán và khéo léo, với những lý do thuyết phục, PVT/PVN cũng đã đàm phán thành công với Vinashin để chuyển hợp đồng đóng 3 tàu thành 1 tàu và đạt được thỏa thuận sửa đổi vào cuối năm 2008.

Nhờ vậy mà sau này PVT chỉ bị “dính” một con tàu đóng dở dang. Đến năm 2010, Vinashin sụp đổ, ông Bình bị bắt và lúc ấy, mọi người mới “lạnh gáy” khi nghĩ tới hợp đồng đóng ba con tàu.

Tạo hình hài cho một PVTrans lớn mạnh

img

Tàu của PVTrans

Khi nói về PVTrans, nhiều người đều nghĩ đến một hành trình vượt khó ngoạn mục từ năm 2011 đến nay của một doanh nghiệp vận tải biển đang bờ vực phá sản.

Tuy nhiên đối với Phạm Việt Anh, giai đoạn chỉ vỏn vẹn 20 tháng về làm Tổng giám đốc PVTrans từ tháng 8/2007 - 3/2009 mới thực sự là giai đoạn ông cảm nhận làm được nhiều điều nhất, tạo được những nền tảng cho Tổng công ty PVTrans sau này.

Vào nghề từ một anh kỹ sư cơ khí chế tạo máy, năm 24 tuổi, anh được mời làm giám sát của Mobile khi đang thăm dò ở mỏ Thanh Long.

28 tuổi, anh đã được bổ phiệm làm Phó giám đốc Công ty Tàu Dịch vụ dầu khí (PTSC Marine). Đến năm 35 tuổi, anh đã là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Vào một buổi chiều cuối tháng 7/2007, Phạm Việt Anh được ông Trần Cảnh, Tổng Giám đốc PVN gọi lên gặp.

Sau cuộc trao đổi ngắn là lời dặn dò: “Em về xây dựng cho anh một hạm đội tàu, để tạo sự đồng bộ cho sự phát triển của ngành dầu khí. Công ty này còn nhỏ nhưng anh tin em sẽ làm được”.

Thế là ít ngày sau, ngày 1/8/2007, Phạm Việt Anh nhận quyết định sang làm Tổng giám đốc PVTrans.

Sau khi nhậm chức, Phạm Việt Anh bị cảm giác ban đầu bất ngờ và hụt hẫng, bởi lẽ quy mô công ty PVTrans khá nhỏ, chỉ có 2 con tàu dầu thô và hơn 100 cán bộ công nhân viên; toàn bộ việc quản lý tàu đều phải thuê công ty nước ngoài. Doanh thu cả năm chỉ hơn 400 tỷ đồng và lợi nhuận chưa đến 20 tỷ đồng.

Sau đó khoảng hơn 1 tháng, vì PVN chuyển đổi từ Tổng công ty thành Tập đoàn, nên có “phong trào” các công ty thuộc PVN cũng đổi tên và thay đổi quy mô thành “Tổng công ty” hết.

Phải làm gì đây để đưa công ty phát triển? Phạm Việt Anh mày mò tìm hiểu để có thể phác thảo và định hướng cho Tổng công ty PVTrans sau này. Và sau đó, một loạt công ty “con” của PVTrans lần lượt ra đời.

Khi mới về PVTrans, Phạm Việt Anh được xem một biên bản thỏa thuận đề án thành lập công ty vận tải LPG giữa PVTrans và PVGas North, PVGas South. Đại ý các bên sẽ góp vốn để thành lập công ty và mua tàu về vận tải LPG.

Nhận thấy đề án này thiếu tính khả thi, vì Tổng công ty PTSC và Tổng công ty PVgas đã hợp tác đầu tư, khai thác 3 con tàu LPG và hoạt động 7 năm nay (từ năm 1999), với nguồn hàng và hợp đồng có sẵn trong nước, thì công ty mới mà PVTrans dự kiến thành lập sẽ chết yểu.

Nhưng nếu không có công ty vận tải LPG, thì chẳng lẽ “Tổng công ty PVTrans” chỉ có làm mỗi vận chuyển dầu thô?

Thế là bằng mối quan hệ của mình, cùng với những luận chứng chặt chẽ, Phạm Việt Anh đã thuyết phục được một số lãnh đạo PVN lúc đó ủng hộ phương án là PTSC, PVGas chuyển mảng vận tải LPG nguyên trạng về PVTrans.

Từ đó Công ty CP Vận tải khí quốc tế (Gas Shipping) do PVTrans nắm quyền chi phối đã được thành lập (ngày 24/12/2007), trở thành một đơn vị trụ cột của PVTrans lúc đó.

Phạm Việt Anh cũng nhanh chóng nhận ra tiềm năng phát triển dịch vụ FPSO/FSO (kho chứa nổi xử lý và xuất dầu thô).

Anh đã lựa chọn, đàm phán và hợp tác với đối tác nước ngoài để PVTrans được tham gia đấu thầu và trúng thầu dự án FPSO cho mỏ Chim Sáo của khách hàng Premier oil (công ty dầu khí của Anh).

Tổng mức đầu tư của dự án FPSO Chim Sáo lúc đó khoảng 450 triệu USD, và tổng giá trị hợp đồng thuê 10 năm là khoảng 800 triệu USD.

Cùng với việc dành được hợp đồng cung cấp FSO Kamari cho mỏ Đại Hùng vào tháng 2/2009, PVTrans đã mở ra được một lĩnh vực dịch vụ FPSO/FSO, trở thành một lĩnh vực trụ cột quan trọng của PVTrans trong suốt thời gian qua.

Cũng nhằm chuẩn bị bước vào thị trường vận chuyển xăng dầu cho nhà máy lọc dầu Bình Sơn, khi nhà máy này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2009, Phạm Việt Anh đã kéo đối tác nước ngoài, Scomy Marine (Malaysia), cùng Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) để thành lập công ty CP Vận tải Phương Nam (PVtrans Petro) và đầu tư, khai thác tàu tại thị trường quốc tế.

Nhờ vậy, đến năm 2009 - 2010, khi nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động, PVTrans được PVN giao làm đầu mối vận chuyển xăng dầu...

Ngoài những “thương vụ” kể trên còn hàng loạt những việc tạo nền tảng cơ bản của một Tổng công ty PVTrans còn non trẻ, ngày đầu thành lập.

Nhưng rồi đến tháng 4/2009, Phạm Việt Anh được Tập đoàn quyết định chuyển sang làm Tổng giám đốc PVGas.

Và cũng ngay lập tức, PV Trans chìm vào khủng hoảng, có nguy cơ “đắm tàu». Thế là Phạm Việt Anh lại được điều về vào tháng 12/2010.

Trong báo cáo tổng kết năm 2010, anh thẳng thắn xác nhận PVTrans là đơn vị “khó khăn nhất của Tập đoàn Dầu khí”.

Nhưng đến năm 2011 thì anh đã bỏ được chữ “nhất”. Năm 2012 thì không còn báo cáo khó khăn nữa.

Và đến nay, PVTrans đã tăng trưởng đều đặn 10 năm liên tiếp, đây là điều cực kỳ hiếm có đối với một doanh nghiệp Nhà nước.

Đến nay, PVTrans đã trở thành một Tổng Công ty vận tải với 9 đơn vị thành viên, 2 chi nhánh và hơn 2.000 cán bộ công nhân viên. PVTrans đã phát triển được đội tàu gồm 37 chiếc với tổng tải hơn 1 triệu DWT, trở thành đơn vị vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Quý I/2022, PVTrans đạt 2.022 tỷ đồng doanh thu, tăng 18% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 194 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2022, PVTrans đặt kế hoạch doanh thu 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 432 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.