70 năm truyền thống ngành GTVT

Chuyện về những người… "chui cống"

22/08/2014, 14:45

Vừa lên khỏi mặt đất, gặp trời nắng người bị đỏ ran, nóng rát. Ngay lập tức, Cường được mấy anh em trong đội ngay lập tức đưa vào bệnh viện điều trị.

TIN LIÊN QUAN

 

Hàng ngày chui xuống cống, Đức Cường sợ nhất là ngâm mình trong hóa chất mà không hay
Hàng ngày chui xuống cống, Đức Cường sợ nhất là ngâm mình trong hóa chất mà không hay


Bỏng nặng vì ngâm mình trong hóa chất


Khoảng 11h sáng ngày 20/8, tại ngã ba đường Ấp Chiến Lược với đường Đất Mới, P. Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân, chúng tôi gặp hai công nhân đang hì hục chuyển từng xô rác dưới lòng cống lên mặt đất. Nắng gắt, xung quanh xe cộ tấp nập. Mùi hôi thối từ ống cống nồng nặc, khiến những người đi đường phải lấy tay bịt mũi và rồ ga với mong muốn “thoát” khỏi khu vực này càng sớm càng tốt. 


Sau chừng 30 phút hết khơi rồi lại xúc, hai anh công nhân đã vớt được hai thùng lớn đầy rác, mỗi thùng khoảng 70 kg. Lên khỏi mặt đất, khắp người các anh chảy ra toàn nước đen kịt, hôi thối. Khi chúng tôi lại gần hỏi, các anh cho biết đều là công nhân Xí nghiệp Thoát nước Tây thành phố (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM). 
 

"Khó khăn nhất đối với công nhân làm nghề này không phải sợ vất vả mà là sự vô ý của một số người không có ý thức giữ vệ sinh chung. Họ coi ống cống là nơi để xả tất cả mọi loại rác. Điều này làm ảnh hưởng đến tính mạng của những người công nhân hàng ngày âm thầm làm nhiệm vụ giữ vệ sinh môi trường sạch đẹp cho thành phố”.

 

Hoàng Hữu Định Quốc 
Giám đốc Xí nghiệp
Thoát nước Tây TP HCM

Một người tên Nguyễn Đức Cường, SN 1985, đưa tay quệt những dòng nước đen chảy dài trên mặt cho biết, đã làm nghề này được bốn năm nay và cũng không có ý định chuyển công việc khác. Hiện thu nhập trung bình một tháng của Cường được 6 triệu đồng nhưng vẫn chắt chiu để dành hàng tháng gửi về cho gia đình ở tận ngoài miền Trung xa xôi.

“Công việc độc hại, nguy cơ lây nhiễm bệnh do môi trường rất cao nhưng tôi thấy yêu quý nó, bởi đó là cái nghề lương thiện. Nếu ai cũng có suy nghĩ ngại dơ bẩn, làm sao có được những con đường phố sạch đẹp cho bà con đi lại”, Cường chia sẻ. 

Theo Cường, cái nghề này mỗi lần xuống cống sợ nhất là bị ngâm mình dưới hóa chất mà không hay. Năm ngoái, Cường đã bị bỏng phải nhập viện do tiếp xúc với hóa chất ở dưới hố ga gần cầu An Lập, QL 1A (Q Bình Tân).

Cường kể: “Lúc đó, khi đang xúc rác ở dưới cống, vẫn chưa có biểu hiện gì, nhưng khi vừa lên khỏi mặt đất, gặp trời nắng người bị đỏ ran, nóng rát. Ngay lập tức mấy anh em trong đội đã ngay lập tức phải đưa đi bệnh viện điều trị. Mất nửa tháng, chi phí thuốc men hết gần 10 triệu đồng mới khỏi. Từ đó đến nay, tôi vẫn luôn bị ám ảnh mỗi lần ngâm mình dưới lòng cống”. 

Mong có mảnh tình vắt vai


Theo chân các anh công nhân làm nghề chui ống cống này suốt một ngày ròng, chúng tôi cảm nhận được nhiều nỗi nhọc nhằn và cảm xúc khó tả. Công việc hàng ngày của những người “thông cống” thường bắt đầu từ 7h30 sáng đến 16h30 chiều. Tăng ca, làm thêm giờ, thậm chí cả chủ nhật là chuyện cơm bữa.

Bất kể ngày mưa hay nắng, kể cả mưa gió, bão bùng, họ đều phải trực chiến ngoài đường. Nhất là vào những ngày mưa, bão, các anh phải có nhiệm vụ trực tại các hố ga, ống cống để vớt rác khỏi bị nghẹt cống.


Do cường độ công việc nhiều và có phần tự ti về nghề nghiệp mà đến nay Cường vẫn chưa tìm được bạn gái. Cường tâm sự: “Giờ quen bạn gái mà nói mình làm nghề này, chắc bạn gái không dám đến gần chứ chưa nghĩ đến gắn bó. Chỉ có người nào thông cảm công việc của mình mới chấp nhận”.

Nhưng khi chúng tôi hỏi, nếu quen bạn gái và họ đề nghị phải bỏ nghề này mới yêu, Cường quả quyết: “Thà bỏ người yêu chứ nhất định không bỏ nghề. Em sẽ đợi người nào đó thông cảm và hiểu công việc của mình”. 
 

Địa bàn hoạt động của Xí nghiệp Thoát nước Tây TP HCM có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất nên tình trạng xả nước thải độc hại vào hệ thống cống thoát nước xảy ra thường xuyên, nhất là vào mùa mưa.

 

Xí nghiệp hiện có 75 người phụ trách gần 112 km bao gồm quận Tân Phú, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Công nhân ngoài những tiêu chuẩn về hệ số lương, họ còn được bồi dưỡng hàng tháng là sữa và dầu ăn. 

Rời nhóm của Đức Cường, chúng tôi tìm gặp một nhóm công nhân khác cũng đang khơi thông hố ga cách đó chừng 300 m. Người đang ngâm mình dưới lòng cống là anh Nguyễn Quốc Cường, SN1991, trẻ nhất trong xí nghiệp.

Nhìn xuống hố sâu hoắm, tôi thấy nước đã mấp mé đến cổ Cường. Do nước sâu, Cường vừa đè mạnh dụng cụ để vớt bùn, vừa phải ngửa mặt lên tránh nước thải tràn vào miệng. 

Lên khỏi mặt đất, người Cường đen đặc bùn, hai cánh tay nổi khắp mụn li ti. Cường bảo, lúc đầu vào nghề đi làm về bị dị ứng, nổi ngứa khắp người. Do tiếp xúc nhiều, cơ địa cũng quen nhưng thỉnh thoảng vẫn bị dị ứng và thường xuyên bị cảm sốt do ngâm mình lâu dưới lòng cống, lỗ chân lông bị nhiễm lạnh. 


Quốc Cường may mắn hơn Đức Cường đã có người yêu trước khi vào làm nghề này. Nhưng mùi hôi cơ thể vẫn luôn là nỗi ám ảnh với những người trẻ tuổi đang có người yêu như Cường. “Công đoạn tắm để người yêu không chê hôi cũng khá công phu. Trước tiên phải tắm bằng nước… rửa chén cho sạch dầu nhớt, mùi hôi, sau đó mới dùng bánh xà phòng diệt khuẩn và tắm lại nhiều lần bằng nước sạch”, Cường bật mí. 


Quốc Cường bảo, làm nghề này không sợ bẩn, hôi thối mà chỉ sợ những chất thải dưới lòng cống gây nguy hiểm cho mình như: kim tiêm và hóa chất, dầu nhớt, ớt thải ở nhà hàng họ xả xuống… 


Trên đường về tòa soạn, xe tôi chạy bon bon trên các tuyến đường sạch đẹp rợp bóng cây xanh như: Nguyễn Du, Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… thuộc trung tâm Q. 1 TP HCM. Để có được điều đó có đóng góp không nhỏ của những người đang ngày đêm chui vào lòng ống cống.

Trong tâm trí tôi cứ hiện lên hình ảnh những người trầm mình dưới những dòng nước đen hôi thối để móc từng cọng rác cho phố phường sạch đẹp, nhất là hình ảnh của Đức Cường bị bỏng nặng, Quốc Cường phải ngửa mặt lên trời để tránh dòng nước dơ bẩn tràn vào miệng...

Đỗ Loan

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.