Chất lượng sống

Cô bé thoát chết kỳ diệu mơ làm bác sĩ

17/02/2017, 06:12

Đã gần 5 năm trôi qua, cô bé Lê Trần Ngọc Trâm lớn lên trong tình thương yêu của ông bà ngoại.

A1

Bé Lê Trần Ngọc Trâm bên bàn học với ước mơ làm bác sĩ. Ảnh: Ngọc Hùng.

Đến nhà cô bé thoát chết trong vụ tai nạn xe khách thảm khốc làm 34 người tử vong, bà ngoại của Ngọc Trâm bảo rằng: “Chuyện tang thương không ai muốn nhớ nữa. Trời đất giữ lại mạng sống của cháu là điều kì diệu rồi. Bây giờ, cháu ngoan hiền, học giỏi, phần nào an ủi chúng tôi và yên lòng bố mẹ nó nơi chín suối...”.

Đã gần 5 năm trôi qua, cô bé Lê Trần Ngọc Trâm lớn lên trong tình thương yêu của ông bà ngoại với ước mơ tương lai được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Chuyến xe định mệnh

Trên con đường làng nối QL26 dẫn vào buôn Yông A II (xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), ngày nắng cũng như ngày mưa, người dân đã quen với hình ảnh bé Lê Trần Ngọc Trâm (10 tuổi, học sinh lớp 4D, trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn) - cô bé thoát chết kì diệu trong vụ tai nạn xe khách rơi xuống sông Sêrêpốk, cướp đi sinh mạng của 34 người trong đó có bố, mẹ của Trâm) một mình đạp xe đến trường.

Nhắc tới Trâm, người dân trong xã không ai không biết. Bé giờ đã lớn lắm, ngoan hiền, lễ phép và học giỏi. Ngày bố mẹ mất, Trâm mới 5 tuổi, được ông bà ngoại đều đã cao tuổi đem về nuôi.

Thấy khách đến thăm, cô bé chạy tọt vào trong nhà gọi lớn: “Ông ngoại ơi! Có người tìm ông ngoại”. Ông Trần Phú bước ra, khi chúng tôi hỏi thăm bé Trâm, ông chỉ về cô bé vừa phụ bán bánh mì với bà ngoại rồi chạy vào nhà: “Đó! Ngọc Trâm đó, từ ngày bố mẹ mất, cháu ở với gia đình tôi. Chuyện kể về cháu dài lắm, cháu sống khỏe mạnh, chúng tôi quý cháu như cục vàng”.

Nhấp chén trà, ông Phú kể về gia đình đứa con xấu số với vẻ mặt buồn rười rượi: “Lúc đó khoảng 21h, tôi đưa vợ chồng Lê Công Bằng (con rể), Trần Thị Thanh Trúc (con gái) và cháu Trâm ra QL26 đón xe đi TP HCM. Chuyến xe đó (xe khách Quyết Thắng - PV), Bằng là tài xế chính, còn Trúc cùng con gái vào Sài Gòn thăm đứa con trai đang học đại học năm thứ 2. Vợ chồng nó tính vào chơi với con trai vài ngày rồi cùng dẫn nhau về quê, nhưng không ngờ đó là lần cuối chúng tôi và các con nói chuyện với nhau”.

Đoạn đường từ Đắk Lắk tới Đắk Nông dễ đi nên anh Bằng để tài phụ lái. Lúc này, anh ngồi phía trước, gần vợ con nằm ở giường số 1. Vợ chồng anh lên xe lúc 21h thì đến khoảng 22h30, một người hàng xóm chạy sang đập cửa báo tin cho ông Phú, xe rơi xuống cầu 14 (còn gọi cầu Sêrêpốk). Ông Phú hốt hoảng chạy lên thì nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng, chiếc xe khách nằm bẹp dúm, chúi đầu dưới sông Sêrêpốk. Từ cầu nhìn xuống sông hơn 20m, hình ảnh chiếc xe bé tí và không có dấu hiệu của sự sống.

“Tôi nghĩ cả gia đình Bằng không một ai sống sót, nghe nói người dân vớt được ba thi thể, tôi vội tìm thi thể người thân nhưng có người nói vớt được bé gái khoảng 5 tuổi, lọt ra lỗ kính rơi ra ngoài xe, đã được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Nghĩ là bé Trâm, tôi vội chạy đến bệnh viện, trên đường đi tôi không nghĩ cháu còn sống. Tại bệnh viện, khi nhìn thấy tôi, Trâm khóc thét và nói bố mẹ nằm dưới xe. Khi tôi quay trở lại hiện trường, những người bị thương đã được đưa ra khỏi xe và chuyển đi bệnh viện cấp cứu. Những người còn lại, từng thi thể được đưa lên bờ chuyển vào nhà xác để nhận dạng. Đến khoảng 24h, tôi nhận được thi thể con gái, đến gần sáng mới đưa được thi thể con rể lên”, ông Phú ngước nhìn di ảnh con, nước mắt chảy dài.

Ước mơ… khoác áo Blouse

A2 (1)

Ngọc Trâm sống trong tình yêu thương của ông bà ngoại, 3 năm liền em là học sinh giỏi.

Thời gian trôi qua nhưng ông Lê Văn Hiệu (50 tuổi, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhà cạnh cầu Sêrêpốk) vẫn còn nhớ như in giây phút cứu bé Lê Trần Ngọc Trâm. Ông kể: “Tôi vừa tắt tivi đi ngủ thì bỗng nghe tiếng va chạm lớn vào thành lan can cầu, sau đó là tiếng rơi kinh hoàng xuống mặt nước. Tôi đánh thức cả nhà, tung cửa chạy ra thì nghe tiếng trẻ khóc dưới chân cầu, theo lối mòn tôi chạy thẳng xuống phía dưới thì thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Chiếc xe khách nằm cắm đầu xuống nước, “ngửa bụng” lên trời. Bên cạnh là một đứa trẻ đang khóc gọi mẹ”.

Quá hoảng hốt, ông bế lấy đứa nhỏ, chạy một mạch lên giao cho người con trai út và giục đưa đi viện cấp cứu. Sau đó, ông bảo vợ chạy lên cầu, đốt lửa ra hiệu cho các phương tiện khác ứng cứu rồi quay lại hiện trường, hy vọng cứu được người khác. “Từ cầu xuống mặt sông có độ cao hơn 20m, xe khách rớt xuống tan tành, bé gái lọt ra ngoài, đang cựa quậy gọi mẹ, máu khắp người. Lúc ôm lấy cháu, tôi nghĩ tính mạng cháu một phần sống, chín phần chết rồi. Vài ngày sau, tôi nghe nói bé được cứu sống, không nguy hiểm đến tính mạng nữa. Tôi không thể tin nổi, đúng là sự sống sót kì diệu”, ông Hiệu chia sẻ.

Sau giờ học, Ngọc Trâm ở nhà phụ ông bà ngoại bán tạp hóa. Cuối tuần, em lại đòi ông Phú chở ra mộ thắp hương cho bố mẹ. Ông Phú cho hay: “Từ khi Trâm biết bố mẹ mất, ngày nào cháu cũng đòi tôi chở ra mộ. Bây giờ thời gian học nhiều, mỗi tuần cháu lại ra thắp hương cho bố mẹ một lần”.

Thay ảnh giữ chú thích

Hiện trường vụ tai nạn xe khách 5 năm về trước khiến 34 người thiệt mạng trong đó có bố mẹ em Trâm.

Bà Nguyễn Thị Bèo ôm chặt đứa cháu vào lòng, khoe với chúng tôi: “Chuyện tang thương không ai muốn nhớ nữa. Trời đất giữ lại mạng sống của cháu là điều kì diệu rồi. Bây giờ, Ngọc Trâm ngoan hiền và học rất giỏi, 3 năm liền cháu là học sinh giỏi, phần nào cũng yên lòng bố mẹ nó nơi chín suối. Trước ngày cháu lên chuyến xe định mệnh, Ngọc Trâm rất kháu khỉnh, lanh lẹ và dễ thương nhưng sau ngày ở viện trở về tính cháu có phần rụt rè hơn, ít nói hẳn. Nhiều đêm ngủ cháu giật mình, khóc đòi mẹ, tôi ôm chặt cháu vào lòng, kể chuyện để cháu chìm vào trong giấc ngủ. Qua thời gian, Ngọc Trâm lớn lên, mọi người quý cháu như cục vàng, thương yêu hết lòng”.

Nắm chặt tay bà ngoại, Ngọc Trâm ngậm ngùi: “Lúc nhỏ con không biết bố mẹ con mất đâu. Khi con lớn lên, ông bà ngoại cũng không muốn nói cho con biết vì sợ con buồn. Nhưng mấy cô chú hàng xóm nói con là đứa may mắn thoát chết trong vụ tai nạn xe khách, còn bố mẹ con đã mất trong vụ tai nạn đó. Con nhớ bố mẹ lắm, con biết bố mẹ không về với con nữa. Mỗi lần nhớ, con lại bắt ông ngoại chở con ra mộ để thắp hương cho bố mẹ”. Khi chúng tôi hỏi ước mơ của em là gì, Ngọc Trâm nở nụ cười: “Con ước mơ sẽ trở thành bác sĩ, được chữa bệnh cho nhiều người.

Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Phú níu tay lại cho hay: “Hoàn cảnh của Ngọc Trâm còn khó khăn lắm. Bố mẹ nó mất vì TNGT, người chị kế nó cũng bị xe công nông mất lái chạy vào nhà tông chết. Hiện, Ngọc Trâm còn một người anh vừa học xong Đại học ở Sài Gòn tên Lê Công Trình (25 tuổi). Cháu học Đại học Thể dục Thể thao ra trường năm 2013, hơn hai năm lang thang làm đủ các việc kiếm tiền gửi nuôi em. Mới đây, Trình vừa xin được vào làm quản giáo ở 1 trường tư thục tại Sài Gòn với lương 3 triệu đồng/tháng. Trước lúc bố mẹ nó mất có vay một khoản tiền 200 triệu để làm ăn, khi bố mẹ mất, số nợ được chuyển tên cho Trình thay bố mẹ trả tiền. Trình dành dụm tiền lương ngoài gửi cho em, còn gửi về phụ với bà ngoại để trả tiền lãi ngân hàng. Số tiền gốc không biết bao giờ mới trả hết. Khó khăn của hai anh em Trình đang còn dài nhưng còn sống được ngày nào, tôi sẽ lo cho Ngọc Trâm để cháu thực hiện được ước mơ làm bác sĩ của mình”.

Thày Nguyễn Hữu Sỹ, giáo viên chủ nhiệm lớp Ngọc Trâm cho biết: “Ngọc Trâm là học trò ngoan hiền, đôi lúc hơi rụt rè. Ba năm liền em là học sinh giỏi. Thời gian vừa qua, hoàn cảnh ông bà ngoại khó khăn, hay đau ốm nên em còn phải phụ bán tạp hóa, giúp đỡ ông bà. Tôi cũng như nhà trường biết hoàn cảnh em mồ côi nên luôn tạo điều kiện để em được học tốt, thực hiện ước mơ của mình”.

Tối 17/5/2012, xe khách của HTX Quyết Thắng (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, do tài xế Phạm Ngọc Lâm điều khiển chở hơn 50 hành khách từ Đắk Lắk đi TP HCM. Khi đến cầu Sêrêpốk (đoạn nối giữa tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) trên QL14 (nay là đường Hồ Chí Minh) đã đâm vào lan can và lao xuống sông Sêrêpốk. Vụ tai nạn đã làm 34 người chết và hơn 20 người bị thương.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.