Xã hội

Cơ chế tự chủ khiến nhiều bệnh viện "sợ sai không dám làm"

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng phải thừa nhận, cơ chế tự chủ trong bệnh viện (BV) công vẫn còn nhiều bất cập khiến nhiều đơn vị “sợ sai không dám làm”.

img

Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị đầu tiên của cả nước thí điểm tự chủ toàn phần được hơn 1 năm. Ảnh: Tạ Hải

Tự chủ trên nền sở hữu công, cơ chế chưa thống nhất

Đó là chia sẻ của GS. Phạm Gia Khải, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) với PV Báo Giao thông, về câu chuyện rối ren đang xảy ra tại nơi ông từng gắn bó hơn 60 năm.

“Thế hệ chúng tôi sống bằng lý tưởng, hy sinh nhưng không đòi hỏi được bù đắp. Tuy nhiên thời kỳ đó đã qua, giờ đây, thế hệ trẻ có quyền được đòi hỏi công bằng, nếu không đủ sống thì họ sẽ ra đi… bởi suy cho cùng quyền lợi vật chất đi đôi với trách nhiệm”, ông Khải chia sẻ thêm.

Nhìn vào BV Bạch Mai hiện nay, ông Khải cho rằng, BV đang phải đối mặt với những mâu thuẫn từ vòng luẩn quẩn “tự chủ nửa vời”. “Tự chủ toàn phần song lại vẫn phải theo khung giá của Nhà nước.

Do đó, cái khó của BV muốn nâng cao chất lượng, chăm sóc toàn diện nhưng lại không đủ nguồn chi trả cho nhân viên phù hợp. Lo được cho bệnh nhân lại không lo được cho nhân viên, lính đói thì chiến đấu làm sao được?”, nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho hay.

Từ khúc mắc trên, ông Khải nhận định: “Mâu thuẫn này, cá nhân lãnh đạo BV Bạch Mai không thể giải quyết được, thậm chí còn vượt ngoài tầm của Bộ Y tế”.

“Ai cũng hỏi tại sao không tận dụng xã hội hóa để gia tăng nguồn lực, đưa kỹ thuật tiên tiến nâng cao chất lượng nhưng với cơ chế mập mờ hiện nay, thử hỏi có đơn vị nào xã hội hóa quyết liệt khi cơ quan điều tra vào cuộc lại không vi phạm?”, ông Khải nói.

Tương tự, Giám đốc một BV đã thực hiện thành công tự chủ một phần cũng chia sẻ: “Khi bắt đầu tự chủ, bệnh viện nào cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn về mọi mặt từ cơ cấu nhân sự tới tài chính.

Đặc biệt, tâm lý nhân viên ai cũng sợ nhất là mình làm cho người khác hưởng. Chính vì thế, lãnh đạo BV phải tạo dựng niềm tin về quyền làm chủ trong mỗi nhân viên. Muốn làm được như vậy thì tất cả phải công khai minh bạch, trọng dụng người tài, trả công xứng đáng, ai cũng có cơ hội phát triển, gia tăng thu nhập”.

“Cơ chế dân chủ phải được quán triệt, từ ông giám đốc tới chị hộ lý đều có thể tìm hiểu mọi khoản thu chi của BV. Tại sao người này hưởng mức thu nhập thấp, người kia hưởng mức cao hơn, có thỏa mãn hay không? Chỉ có như vậy nhân viên mới tận tâm cống hiến làm vì ngôi nhà chung. Ngay cả khi ngôi nhà đó còn nghèo, con cái còn phải ăn khoai sắn, cũng vẫn gắn bó, tìm cách phấn đấu làm giàu cho ngôi nhà của mình”, vị giám đốc này nói thêm.

Trở lại câu chuyện của BV Bạch Mai, vị giám đốc trên cho rằng, đây là một BV siêu đặc biệt, thương hiệu hàng đầu của Việt Nam nhưng vì sao cán bộ bác sĩ vẫn bỏ đi? Có lẽ phải xem lại, phải chăng nhân viên không còn coi đó là thương hiệu của họ nữa?

“Tự chủ tài chính là cách để các BV công được cởi trói nhưng mô hình ở Việt Nam đang thực hiện lại là tự chủ trên nền sở hữu công, cơ chế có nhiều vấn đề chưa thống nhất. Thay vì bó hẹp cơ chế, nên chăng tăng quyền tự chủ cho bệnh viện, song song với đó tổ chức giám sát tốt hơn bảo đảm đi đúng quy định, pháp luật của Nhà nước. Còn hiện nay, tự chủ theo kiểu “vừa giao vừa sợ” thì không thể làm được”.

Nỗi khổ của “siêu bệnh viện”

img

Khám, chữa bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Tạ Hải

Chủ trương tự chủ khối y tế công đã thực hiện được hơn 10 năm. Tuy nhiên tới nay BV Bạch Mai là đơn vị đầu tiên của cả nước thí điểm tự chủ toàn phần được hơn 1 năm. Đây cũng là một “siêu bệnh viện” khi cơ cấu sau sáp nhập vẫn lên tới 56 đơn vị và hơn 4.300 cán bộ nhân viên.

Nói về những khó khăn trong quá trình thực hiện tự chủ toàn diện, ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho hay, giai đoạn đầu thực hiện theo cơ chế tự chủ, BV Bạch Mai gặp nhiều khó khăn về tổ chức bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là khó khăn về nguồn tài chính.

Cụ thể, giá dịch vụ khám chữa bệnh của BV thu theo giá BHYT, chưa được tính đúng, tính đủ. Trong 7 yếu tố cấu thành, hiện mới tính 4 yếu tố gồm: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương và phụ cấp.

“Còn 3 yếu tố chưa được cấu thành vào giá là sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản và chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, BV không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá BHYT…; triển khai chăm sóc toàn diện, cung cấp miễn phí dịch vụ cho bệnh nhân như nước sôi, vận chuyển, ô che, máy sưởi…”, ông Tuấn ví dụ.

Kết quả, tổng doanh thu của BV Bạch Mai năm 2020 giảm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2019 (tương đương giảm 26%). “Mặc dù BV đã áp dụng mọi chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức tới tổng kinh phí khoảng 140 tỷ đồng nhưng thu nhập của nhân viên vẫn bị giảm từ 30 - 50% so với năm 2019”, ông Tuấn cho hay.

Trước những khó khăn trên, lãnh đạo BV Bạch Mai kiến nghị: “Bộ Y tế sớm ban hành giá trần dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

Cơ chế tự chủ cũng dễ dẫn đến việc các BV chỉ chú trọng đến hoạt động dịch vụ, phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, theo yêu cầu để tăng nguồn thu; chú trọng đến khám, chữa bệnh mà không chú ý đến hoạt động dự phòng, y tế cơ sở… Thực hiện cơ chế tự chủ dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền của giám đốc; trong một số trường hợp để tăng nguồn thu dẫn đến việc chỉ định sử dụng dịch vụ quá mức cần thiết hoặc có thể cắt giảm quá định mức kinh tế, kỹ thuật của dịch vụ làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho người bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn


Bệnh viện được thu giá dịch vụ y tế theo đúng nguyên tắc tính đúng, tính đủ và có tích lũy để tạo điều kiện thuận lợi triển khai các hoạt động theo cơ chế tự chủ; đặc biệt là các quyết sách liên quan đến nguồn nhân sự chất lượng cao và chế độ chính sách đãi ngộ, khuyến khích người lao động tạo điều kiện để BV hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân”.

Mang nội dung kiến nghị này tới Bộ Y tế, PV Báo Giao thông nhận được câu trả lời: “Bộ đang giao cho đơn vị chức năng rà soát tổng thể sau đó mới thống nhất hướng giải quyết”.

Thực hiện tự chủ, nhiều đơn vị sợ vi phạm

Xung quanh vấn đề tự chủ tài chính trong BV công hiện nay, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Việc thực hiện cơ chế tự chủ tạo điều kiện để các đơn vị tăng số lượng, chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dân; làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng dịch vụ công; tạo cơ chế thông thoáng cho đơn vị trong sử dụng các nguồn tài chính chi thường xuyên, được phép chi thu nhập tăng thêm, góp phần bảo đảm đời sống, giữ chân cán bộ; làm thay đổi tư duy, nhận thức của các đơn vị, không chỉ trông chờ vào Ngân sách Nhà nước (NSNN)…”.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, cơ chế tự chủ cũng đang tạo ra nhiều khó khăn thách thức. “Liên quan tới việc tổ chức bộ máy, biên chế, các quy định về thành lập, giải thể các tổ chức cấu thành đơn vị sự nghiệp công chưa rõ ràng nên nhiều đơn vị không dám làm, sắp xếp lại vì sợ vi phạm.

Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng, bổ nhiệm còn chưa rõ ràng”, ông Sơn nói.

Để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện cơ chế tự chủ, ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, cần phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng tự chủ tài chính của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu của đơn vị chưa đủ để bảo đảm hoạt động thường xuyên.

“Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 16 của Chính phủ để các đơn vị có nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng nguồn thu; hoàn thiện quy chế BV, hướng dẫn về chuyên môn, quy trình kỹ thuật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện các quy trình chuyên môn, thực hiện tiêu chí chất lượng, quản lý tài chính, xử lý nghiêm các sai phạm nếu có”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.