Mở rộng dịch vụ để bù đắp chi phí thiếu hụt
Công ty Cổ phần giao thông số (VDTC) thuộc Tập đoàn viễn thông quân đội - một trong hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC vừa kiến nghị Cục Đường bộ VN chấp thuận cho phép mở rộng dịch vụ gia tăng trên nền tảng cơ sở hạ tầng của dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (BOO2).
Lý giải về đề xuất này, VDTC cho biết, doanh thu thu phí thực tế các trạm thu phí quá thấp so với phương án tài chính hợp đồng BOO2, năm 2021 chỉ đạt 27%, năm 2022 chỉ đạt 50% và năm 2023 chỉ đạt 51% doanh thu thu phí theo hợp đồng.
Hơn nữa, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện dự án ETC giai đoạn 2, đến nay VDTC đã phát triển gần 2,4 triệu khách hàng dán thẻ và mở tài khoản giao thông.
Từ phân tích trên, VDTC đề nghị Cục Đường bộ VN chấp thuận cho phép mở rộng dịch vụ gia tăng trên nền tảng cơ sở hạ tầng của dự án BOO2.
Các dịch vụ được VDTC đề xuất mở rộng gồm: Dịch vụ quảng cáo trên nền tảng ứng dụng ePass (bảo hiểm, vé máy bay, Car Service, chợ ứng dụng) và dịch vụ đại lý, môi giới trên nền tảng ứng dụng ePass.
Việc mở rộng dịch vụ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hành thông qua việc tối ưu các tiện ích của ứng dụng ePass, đồng thời bù đắp một phần nhỏ doanh thu, chi phí thiếu hụt trong quá trình triển khai dự án BOO2 và phù hợp với Quyết định 19 của Thủ tướng về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng.
Chưa đủ căn cứ pháp lý
Dẫn quy định tại Quyết định 19 về thu phí không dừng, đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, đề xuất mở rộng dịch vụ của VDTC là có cơ sở.
Tuy vậy, Luật PPP quy định “Doanh nghiệp dự án PPP là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập có mục đích duy nhất để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP”.
Theo quy định này, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Nếu muốn mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống này, cần phải điều chỉnh dự án thu phí để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.
Cục Đường bộ VN đề nghị VDTC phối hợp trong việc rà soát Quyết định số 19 và các quy định pháp luật có liên quan, làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc thay thế để có đầy đủ căn cứ pháp lý cho việc mở rộng thêm các dịch vụ mới.
Cũng liên quan đến mở rộng dịch vụ trên nền tảng thu phí không dừng, trước đó, Bộ GTVT cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng dịch vụ thu phí không dừng tại các trạm thu phí cảng hàng không, sân bay.
Theo Bộ GTVT, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 16.000-20.000 lượt xe qua trạm thu phí sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Việc thu phí bằng thủ công thường xuyên gây ách tắc, bức xúc cho tài xế, hành khách.
Thu phí không dừng tại các trạm thu phí cảng hàng không, tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường, công khai minh bạch, phù hợp với chủ trương của Nhà nước về hạn chế sử dụng tiền mặt.
Tuy nhiên, Quyết định 19/2020 của Thủ tướng chỉ cho phép hệ thống ETC dùng để thanh toán dịch vụ thu phí đường bộ tại các trạm thu phí, không hướng dẫn thanh toán cho các loại dịch vụ khác. Để có thể triển khai mở rộng các dịch khác trên nền tảng hệ thống ETC cần điều chỉnh Quyết định số 19.
Theo Luật PPP, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí được thành lập với mục đích chỉ để thực hiện nhiệm vụ thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Trường hợp muốn mở rộng dịch vụ trên nền tảng hệ thống ETC cần phải điều chỉnh dự án thu phí điện tử không dừng để bổ sung các dịch vụ tăng thêm vào phạm vi dự án.
Chủ trương đầu tư và cơ chế tổ chức thực hiện dự án ETC tại các trạm thu phí đường bộ do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Để mở rộng dịch thu phí không dừng tại các trạm thu phí sân bay cần được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận