Vào khoảng thế kỷ thứ 7, Vua Songtsen Gampo đã cho xây dựng cung điện Potala. Mãi cho đến thế kỷ 17, Đức Đạt Lai Lạt Ma mới bắt đầu xây dựng pháo đài và mở rộng cung điện lớn như hiện tại. Việc xây dựng được cho là mất 50 năm để tạo dựng nên một cung điện rộng lớn cùng các bức tường bền vững vẫn còn sừng sững cho đến ngày nay.
Ban đầu, Cung điện Potala được sử dụng làm nơi ở quanh năm và sau đó là nơi ở vào mùa đông cho các Đạt Lai Lạt Ma trong suốt lịch sử. Cung điện Potala vẫn là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma cho đến khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 chạy sang Ấn Độ vào năm 1959.
Sau đó, nơi đây trở thành trung tâm hành chính của Tây Tạng, đóng vai trò là thủ đô cho khu vực tự trị của Trung Quốc. Đến nay, Cung điện Potala là một viện bảo tàng.
Cung điện Potala còn được gọi là Núi Phổ Đà thứ 2, vì người ta tin rằng các vị thần linh đi qua, cư trú trong cung điện và ban phước cho những ai đến thăm. Có 3 ngọn núi chính bao quanh Lhasa và chúng cùng được gọi là "Người bảo vệ của Tây Tạng". Độ cao của Cung điện Potala khiến nó trở thành cung điện cao nhất trên thế giới và người ta cho rằng nó giúp kéo gần khoảng cách với thần thánh.
Quy mô và phạm vi của Cung điện Potala mang tính biểu tượng với các con số 13 và 1.000 thường được lặp lại nhiều lần đối với số tầng, số phòng và kích thước của một số không gian nhất định. Cung điện có 2 không gian riêng biệt: Cung điện Đỏ và Cung điện Trắng.
Cung điện Đỏ là trung tâm của pháo đài, và nó là phần cao nhất của toàn bộ cung điện cũng như khu tôn giáo - nơi diễn ra các buổi cầu nguyện và học tập. Bên trong Cung điện Đỏ, bạn sẽ tìm thấy phần còn lại của tòa nhà nguyên thủy có từ thế kỷ thứ 7: Nhà nguyện Saint.
Mặc dù Cung điện Đỏ được cho là có ý nghĩa quan trọng hơn từ khía cạnh tôn giáo, nhưng Cung điện Trắng cũng hấp dẫn không kém. Bạch Cung bao quanh Hồng Cung, tạo nên màu sắc đối lập có thể nhìn rõ hai bên pháo đài.
Tại đây, bạn có thể tìm thấy khu ở của các vị Đạt Lai Lạt Ma trước đây cũng như các phòng hành chính và dinh thự bổ sung. Cung điện có 698 bức tranh tường, gần 10.000 cuộn tranh, nhiều tác phẩm điêu khắc cũng như một bộ sưu tập lớn các tài liệu lịch sử quan trọng.
Hiện tại, nhiều hiện vật Phật giáo và kho báu địa phương vẫn được tìm thấy trong khuôn viên được trưng bày, như vàng, kinh Phật viết tay có từ nhiều thế kỷ, đồ cổ Trung Quốc và nhiều món quà khác nhau do các quan chức, hoàng đế Trung Quốc và các nhân vật tôn giáo tặng cho Đạt Lai Lạt Ma.
Các tác phẩm điêu khắc sư tử tuyết cũng được tìm thấy đang "bảo vệ" các lối rá vào cung điện, làm tăng thêm vẻ đẹp cho kiến trúc vốn đã rất ấn tượng của pháo đài.
Các chuyến thăm đến Cung điện Potala phải được tổ chức và lên kế hoạch trước ít nhất một ngày, và vé vào cửa được giới hạn ở một số lượng nhất định mỗi ngày. Khách đến tham quan sẽ cần phải truy cập trang web của Cung điện một ngày trước chuyến thăm để được nhận một phiếu xác định thời gian cho chuyến thăm vào ngày hôm sau.
Bạn sẽ có tùy chọn tham quan có hướng dẫn viên hoặc tự tham quan, nhưng hãy nhớ rằng có những giới hạn về thời gian có thể ở trong Cung điện Potala, đồng thời tuân thủ các phong tục và truyền thống của Phật giáo bằng cách không đội mũ trong khuôn viên và không chụp bất kỳ hình ảnh nào bên trong.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận