QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên do Ban QLDA 2 làm đại diện chủ đầu tư - Ảnh: Tạ Tôn |
Bắt đầu hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, khi Việt Nam mới mở cửa, hội nhập với thế giới, trải qua hơn 20 năm, mô hình của các ban QLDA luôn có nhiều xáo trộn và thay đổi tách - nhập. Có thời điểm hầu hết các ban QLDA trực thuộc Bộ GTVT, nhưng cũng có giai đoạn trực thuộc các tổng cục, cục chuyên ngành.
Chính vì nhiều xáo trộn, nên đến tận bây giờ, không ít người vẫn đặt câu hỏi, ban QLDA là ai? Và vì sao các ban QLDA lại được quan tâm, hay chuyển đổi, sắp xếp đến vậy? Để trả lời những câu hỏi này, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, các ban QLDA giao thông chính là người đại diện của chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án (chủ yếu là dự án cầu đường) được triển khai theo kế hoạch.
Hiện nay, với việc hình thức PPP ngày càng phát triển, các ban QLDA còn kiêm thêm cả việc quản lý, hoặc “làm thuê” cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù mô hình và chức năng nhiệm vụ như thế nào, với việc các dự án giao thông thường rất phức tạp, kéo dài và sử dụng nguồn vốn rất lớn, giai đoạn nào cũng đòi hỏi cần có một mô hình các ban QLDA hợp lý, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Với tinh thần đó, mới đây nhất, Bộ GTVT vừa hoàn thành sắp xếp, hợp nhất một số ban QLDA. Trong đó, hai ban QLDA thuộc diện lâu đời và lớn nhất ngành GTVT là Ban QLDA 1 và Ban QLDA Thăng Long hợp nhất lại và mang tên gọi Ban QLDA Thăng Long; Ban QLDA 2 và Ban QLDA ATGT hợp nhất thành Ban QLDA 2.
Dù có nhiều xáo trộn về mô hình và cả nhân sự, nhưng theo chia sẻ của lãnh đạo và nhiều chuyên viên các đơn vị này, việc sắp xếp lại là cần thiết và là cơ hội để các ban QLDA tăng năng lực và chuyên nghiệp hóa. Trước đây, các ban QLDA hoạt động trải dài khắp địa bàn cả nước với nhiều nguồn vốn khác nhau, trong khi nhân lực và nguồn lực hạn chế, chi phí đi lại tốn kém. Nay hợp nhất và phân chia khu vực cụ thể, rõ ràng hơn, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế việc chạy chọt dự án.
Thông qua việc sắp xếp lại, Bộ GTVT cũng đồng thời quản lý chặt chẽ hơn nguồn vốn đầu tư, chất lượng, tiến độ công trình, phù hợp với phân cấp quản lý đầu tư xây dựng, tránh được các khâu trung gian trong công tác quản lý. Cùng đó, với nguồn lực mạnh hơn, các ban QLDA được sắp xếp lại cũng có khả năng quản lý và tìm kiếm nguồn việc mới tốt hơn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các nguồn lực đầu tư cho GTVT ngày càng hạn chế, vốn ODA giảm dần do Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận