Đăng kiểm

Có nên bỏ đăng kiểm định kỳ 5 năm đối với tàu có hải trình ngắn?

29/03/2024, 06:30

Công ty TNHH 2TV TMDV và du lịch Nguyên Việt có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam kiến nghị bỏ quy định đăng kiểm định kỳ 5 năm.

Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết, phương tiện cao tốc thủy nội địa tuyến cố định từ bờ ra đảo khu vực Quảng Ninh có đặc thù riêng vì tuyến này nằm trong Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, khoảng cách giữa các núi chỉ vài km, đảo xa nhất không quá bán kính 15km, các tuyến đều không hoạt động về đêm (từ 18h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau).

Có nên bỏ đăng kiểm định kỳ 5 năm đối với tàu có hải trình ngắn?- Ảnh 1.

Cục Đăng kiểm cho biết, quy định đăng kiểm định kỳ 5 năm/lần đối với phương tiện thủy nội địa là cần thiết để đảm bảo tàu duy trì trạng thái kỹ thuật phương tiện, hoạt động ổn định, an toàn (ảnh minh họa).

Từ đó, đơn vị kiến nghị bỏ quy định đăng kiểm định kỳ 5 năm do khoảng cách từ Vân Đồn đi các đảo có hải trình ngắn, mỗi năm các tàu chỉ hoạt động cao điểm vài tháng hè, tàu luôn được kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, thay dầu định kỳ.

Về vấn đề này, Phòng Tàu Sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chu kỳ kiểm định định kỳ 5 năm đối với phương tiện thủy nội địa hiện đang thực hiện theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa nhằm kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện, đảm bảo chất lượng phương tiện và an toàn cho hành khách sau khoảng thời gian sử dụng, vận hành.

Chia sẻ thêm, lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 15, Cục Đăng kiểm VN cho biết, theo quy định, phương tiện thủy nội địa có 3 loại hình kiểm tra: hàng năm (12 tháng/lần), trên đà (vào thời điểm kiểm tra hàng năm lần 2 hoặc lần 3) và định kỳ (5 năm/lần) không phụ thuộc việc tàu hoạt động ít hay nhiều, cũ hay mới.

Trong đó, kiểm tra định kỳ được coi là đợt kiểm tra toàn diện phương tiện với khối lượng kiểm tra lớn, bao gồm khối lượng kiểm tra hàng năm, kiểm tra trên đà và kiểm tra phương tiện ở trạng thái tháo mở nhiều thiết bị quan trọng như máy chính, máy phát, trục chân vịt...

"Thông thường đối với máy chính, cam trục phải được kiểm tra sau 200 giờ hoạt động/lần, xu páp kiểm tra sau 500 giờ hoạt động/lần còn trục khủy thì kiểm tra sau 2.000 giờ hoạt động/lần. Tất cả các thiết bị này cần được kiểm tra đúng chế độ mới có thể duy trì máy hoạt động liên tục mà không bị sự cố bất thường", lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 15 nói và nhấn mạnh: Việc kiểm tra định kỳ rất cần thiết để đảm bảo tàu duy trì trạng thái kỹ thuật phương tiện đúng theo cấp tàu được ấn định.

"Chu kỳ kiểm tra này hiện cũng đang được các tổ chức đăng kiểm quốc tế áp dụng trên toàn thế giới mà không phụ thuộc vào khoảng cách hành trình, thời gian hành trình cũng như lịch trình bảo dưỡng của nhà chế tạo máy, thiết bị", Cục Đăng kiểm VN cho biết thêm.

Theo tìm hiểu, hiện nay, thời hạn chu kỳ kiểm định phương tiện thủy nội địa được thực hiện theo QCVN 72: 2013/BGTVT như sau: Đối với phương tiện thủy đang khai thác có các chu kỳ đăng kiểm gồm: Kiểm tra lần đầu (để phân loại phương tiện). Kiểm tra định kỳ: 5 năm/lần đối với tất cả các loại tàu.

Kiểm tra hàng năm: 6 tháng một lần đối với tàu vỏ gỗ không bọc ngoài; 12 tháng một lần đối với các tàu còn lại.

Kiểm tra trên đà (để xác nhận phần phương tiện chìm dưới nước): 12 tháng/lần đối với tàu vỏ gỗ không được bọc ngoài; 36 tháng/lần đối với tất cả các tàu còn lại: Không quá 36 tháng một lần.

Trong định kỳ 5 năm phải lên đà hai lần, một trong hai lần lên đà phải trùng với đợt kiểm tra định kỳ.

Kiểm tra trung gian (không phải lên đà): Không quá 12 tháng đối với tàu chở khách cao tốc; Không quá 36 tháng đối với tàu chở hàng nguy hiểm, tàu chở xô hóa chất nguy hiểm, tàu chở khí hóa lỏng.

Kiểm tra bất thường: Kiểm tra bất thường tàu hoặc từng phần máy móc, thân tàu, trang thiết bị của chúng được tiến hành trong mọi trường hợp theo yêu cầu của chủ tàu, bảo hiểm, hoặc theo chỉ thị đặc biệt của Nhà nước; Tàu bị tai nạn (nhằm xác định hư hỏng).

Kiểm tra bổ sung: 6 tháng/lần ở trạng thái nổi đối với tàu khách cao tốc trên 20 tuổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.