Ảnh minh họa |
Hỏi: Con trai tôi mới lên 6 nhưng đã đạt cân nặng xấp xỉ 50 kg, tôi lo lắng cháu béo phì nên có ý định cắt giảm tối đa khẩu phần ăn của cháu. Liệu tôi làm vậy có đúng không, thưa bác sĩ?
Trần Mai Anh (Đông Anh, Hà Nội)
Trả lời: Khác với người lớn, với trẻ em, bên cạnh kiểm soát cân nặng còn nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng chiều cao, phát triển trí não. Dinh dưỡng với trẻ dưới 7 tuổi không giảm cân, mà giúp trẻ tăng cân chậm lại, một cách từ từ. Ở độ tuổi này, các acid béo không no rất cần cho trẻ để có cơ hội phát triển.
Nếu trẻ quá thừa mỡ, thì cần phải cân đối dinh dưỡng. Theo đó, cha mẹ nên hạn chế đồ ăn nhanh như KFC, trà sữa, đường chuyển hóa nhanh, vì những thực phẩm này thậm chí làm cho trẻ chưa thừa cân đã béo phì, tỷ lệ % mỡ cơ thể lớn. Đôi khi ăn thực phẩm nhanh làm tích mỡ nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ như đề kháng kém, dễ ốm như viêm phổi phế quản, do phế quản bị lấp bởi mỡ làm không khí đi vào kém đi. Việc kiểm soát bữa ăn của trẻ lành mạnh, khi vào hấp thu từ từ giúp trẻ có đường huyết ổn định. Cha mẹ nên chuẩn bị rau cho các con. Và chú ý đến thời gian ăn, trẻ thừa cân béo phì có khi ăn 5-10 phút đã hết cả bữa ăn, làm trẻ chưa thấy no, do vậy cần duy trì thời gian ăn 20-25 phút. Trình tự xếp đặt món ăn trong một bữa cũng quan trọng, giúp dạ dày trẻ lấp đầy. Ví như, cho trẻ uống một cốc nước giúp trẻ tiêu hóa, lấp đầy dạ dày, rồi ăn thức ăn kèm rau và cơm. Trẻ nên ăn cơm từ từ, không ăn quá nhanh. Bữa ăn cũng cần đa dạng thực phẩm để giúp tăng trưởng.
Việc chia số bữa trong ngày rất quan trọng, không nên để trẻ mất bữa. Trẻ bình thường ăn 3 bữa, thì thừa cân béo phì nên chia nhỏ bữa ăn, thành 4-5 bữa giúp đường huyết trẻ ổn định. Với trẻ thừa cân không nên để trẻ ăn quá nhanh, vì ăn nhanh, gan không kịp chuyển hóa khiến trẻ không có cảm giác no, không duy trì đường huyết lại khiến trẻ khó vận động, tiếp thu bài không tốt ở trên lớp. Bên cạnh đó, khuyến khích trẻ vận động, làm việc nhà, 60 phút/ngày để giúp trẻ tiêu hao năng lượng nhiều hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận