Chọn được nhà đầu tư vẫn loay hoay huy động vốn
Ngày 21/11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 9725 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, nâng tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án đường cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 70% và dự án đường ven biển Thái Bình là 80%.
Theo đánh giá, đây là hai dự án có đặc điểm chung là doanh thu và lưu lượng xe rất thấp. Nếu vốn ngân sách nhà nước tham gia vào dự án này ở mức quy định hiện nay là 50% thì phương án tài chính sẽ không khả thi.
Đáng nói, dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông, là dự án trọng điểm để phát triển kinh tế vùng nhưng vẫn chưa thể triển khai do khó khăn trong huy động nguồn vốn đầu tư.
Theo phương án đề xuất, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là trên 14.330 tỷ đồng. Dù còn khó khăn, song, tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực cân đối, bố trí ngân sách địa phương tham gia dự án 4.080 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng.
Phần vốn còn lại (7.750 tỷ đồng) sẽ huy động từ các nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn là VPBank.
Thời điểm hiện tại, mặc dù dự án đã chọn được nhà đầu tư nhưng vẫn loay hoay ở giai đoạn thương thảo hợp đồng.
Nguyên nhân do doanh thu, lưu lượng thực tế quá thấp (theo kết quả thẩm định của Ngân hàng VP Bank) dẫn đến phần cam kết tài trợ ban đầu của ngân hàng giảm từ 4.300 tỷ đồng chỉ còn 2.500 tỷ đồng.
"Nếu không có giải pháp tăng vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương lên 5.720 tỷ đồng (thêm 3.220 tỷ đồng), đồng thời, nhà đầu tư phải tăng phần vốn góp lên 2.030 tỷ đồng (thêm gần 600 tỷ đồng) thì không thể thực hiện được", đại diện nhà đầu tư đánh giá.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, Cao Bằng muốn phát triển, muốn xoá được đói giảm được nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên thì không cách nào là phải tập trung vào những tuyến giao thông, đặc biệt là tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Đây là mong mỏi từ rất lâu của nhân dân Cao Bằng nhưng chưa có điều kiện để tổ chức thực hiện.
Ngay cả khi tiếp cận dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nghiên cứu để hạ tổng mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng xuống còn khoảng 23.000 tỷ đồng, tức là giảm gần một nửa so với dự toán trước đây nhờ tối ưu hóa hướng tuyến, rút ngắn chiều dài tuyến 23km (từ 144km xuống còn 121km) khi áp dụng công nghệ khoan hầm xuyên núi, cầu cạn vượt thung lũng. Việc triển khai vẫn còn nhiều thách thức.
Nâng tỷ lệ vốn nhà nước để hút nhà đầu tư
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia kinh tế quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá, phần lớn ở các địa phương chậm phát triển đều có yếu tố giao thông còn yếu kém.
"Việt Nam nên huy động thêm nhiều nguồn vốn, nguồn lực cho giao thông, đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Chỉ khi giao thông tốt thì người dân mới thoát nghèo, kinh tế mới tăng trưởng", vị chuyên gia nói.
Theo đánh giá chung của các hiệp hội, doanh nghiệp, nếu không có cơ chế thí điểm đặc thù, xem xét nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án lớn hơn 50% đối với các dự án PPP đường bộ, việc thu hút nhà đầu tư tham gia sẽ khó thành công.
Thực tế, từ năm 2020 đến nay, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời và có hiệu lực thi hành, mới chỉ có 6 dự án được phê duyệt chủ trương theo phương thức này và đang triển khai các bước lựa chọn nhà đầu tư.
Một trong những lý do khiến dự án PPP mất đi sức hút chính là quy định giới hạn vốn nhà nước tham gia dự án không được quá 50% tổng mức đầu tư", lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi) nói.
Cũng theo lãnh đạo Varsi, bên cạnh việc tăng tỷ lệ góp vốn ngân sách, nhà nước cũng cần tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tham gia thực hiện các dự án mà họ quan tâm để tránh tình trạng thời gian qua, các dự án hấp dẫn nhà đầu tư thì thực hiện đầu tư công, trong khi các dự án gặp nhiều khó khăn như Đồng Đăng - Trà Lĩnh lại đầu tư theo phương thức PPP.
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc Hội cho rằng, chi phí giải phóng mặt bằng dự án giao thông hiện nay rất lớn. Nếu tính chi phí mặt bằng vào trong tổng chi phí dự án và nhà nước chỉ đóng góp 50%, nhà đầu tư sẽ phải bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng, đồng nghĩa, thời gian thu hồi vốn dự án sẽ bị kéo dài.
Ủng hộ việc tăng tỷ lệ vốn góp ngân sách nhà nước vào dự án PPP, theo một lãnh đạo Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, cơ chế này cần thiết được xem xét và sớm áp dụng với các dự án có lưu lượng xe ít nhưng đóng vai trò tạo động lực phát triển KT-XH vùng sâu, vùng xa, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận