Chất lượng sống

Cổ tích “cõng” chữ lên rừng

03/01/2018, 08:05

Những cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết, hàng ngày miệt mài băng rừng, vượt đò, xa gia đình, xa chồng con để cắm bản...

48

Dù khó khăn vất vả nhưng với lòng yêu nghề cô Nguyễn Thị Liễu hàng ngày vẫn gieo chữ cho các em

Mỗi ngày vượt 120km đến trường

Một ngày cuối tháng 12, trong ánh sáng tờ mờ của ngày mới, chúng tôi theo chân cô giáo Nguyễn Thị Liễu (dạy lớp 4, trú xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) đến với điểm trường Tiểu học Cư Pui 2 (thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk). Điểm trường thôn Ea Rớt, nằm lọt thỏm giữa rừng, là một trong những điểm trường khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk.

Đường đến điểm trường chông chênh, phải vượt con đường mòn bùn đất nhão nhẹt, đá lởm chởm vắng người qua lại. Sau đó, còn phải “nín thở” qua một chuyến đò mới đến điểm dạy. Chúng tôi “cưỡi trên con ngựa sắt” nhảy qua từng ổ gà và phải cài số 1, số 2 mới di chuyển được. Cô Liễu cho biết: “Mùa nắng, con đường đã khó đi, còn mùa mưa xe máy không đi được, thày cô giáo phải gửi xe, mang ủng và lội bộ đến trường. Các anh không quen khó đi lắm, chứ tụi em ngày nào cũng đi thấy bình thường”.

Theo chân cô giáo Liễu đến đập thủy lợi Krông Pách Thượng, chúng tôi đi vào con đường đất ngoằn ngoèo, vừa đủ hai bánh xe máy di chuyển. Xe máy trả hết về số 1, tiếng máy gầm rú bò lên con dốc dựng đứng. Vượt qua con dốc, phía trước chúng tôi là con đường đất ngoằn ngoèo vắt qua nhiều ngọn đồi. Con đường mòn lởm chởm đá, thỉnh thoảng chiếc xe máy cắm đầu xuống thung lũng, băng qua nhiều hố nước, bùn đất nhão nhoẹt…

Vượt gần 5km, trước mắt chúng tôi là ngọn cờ tổ quốc phấp phới giữa màu xanh của rừng. Cô Liễu cho hay, đó là cột cờ của trường. Tuy nhiên, để đến được trường, còn phải vượt qua một chặng đò. Đứng trước khoảng nước rộng chừng 50m, nhìn sang bờ bên kia, một người bạn trong nhóm lớn tiếng gọi người lái đò. Người lái đò lên chiếc bè gỗ, mặt bè lót ván trên những thanh nứa, hai bên kẹp 4 cái thùng phuy cũ kĩ. Người lái đò men theo sợi dây thừng được cột cố định căng ngang mặt nước để qua bờ đón khách. Chiếc bè cập bờ, người lái đò ra hiệu chạy xe máy thẳng lên, chiếc bè chông chênh, nước ngấp nghé mặt ván…

Chờ khách lên hết, người lái đò nắm chặt dây thừng kéo khách qua bờ bên kia, trong sự nín thở của những người khách lạ.

Cô Nguyễn Thị Liễu chia sẻ: “Đi đường đã khó, nhiều lúc gọi người lái đò không thèm ra kéo. Đường này chỉ có em và cô giáo Nguyễn Thị Trang (dạy lớp 2, nhà ở xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hay đi lại, chứ lâu lâu mới có một người qua đò nên lái đò không để ý. Mỗi lần không gọi được lái đò, em với cô Trang hét toáng lên thì người lái đò mới qua kéo tụi em. Mỗi lượt đi tụi em mất 20.000 đồng. Em và cô Trang rơi vào hoàn cảnh “bất đắc dĩ” vì con nhỏ nên mới đi đi về về, còn ở trường mấy cô đều trọ cuối tuần mới về”.

Cô Trang kể: “Từ nhà em đến điểm trường gần 60km nên 4h sáng em “trốn” con thức dậy, chuẩn bị thức ăn cho con để lại cho chồng chăm. 5h em bắt đầu đi rồi, sang đến trường 7h. Trưa dạy xong em lại chạy về, đến nhà 1h chiều mới được ăn cơm trưa. Như vậy, một ngày em phải vượt đến 120km. Đi riết rồi cũng quen, chỉ thương con em còn nhỏ chưa tròn một tuổi mà phải xa mẹ”.

49

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mạnh đang giúp học sinh lớp 1, trong giờ học tập đọc

Ở trọ gieo chữ

Giờ học bắt đầu, cả khu trường im ắng, lâu lâu tiếng học sinh rộn ràng đọc bài. Sau giờ học, những cô giáo ở trọ xuống căn nhà gỗ cạnh lớp học, mỗi người một việc nấu cơm chuẩn bị bữa trưa. Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, cô Phạm Thị Duyên (dạy lớp 5, nhà ở huyện Cư M’gar) cho biết: “Từ nhà đến trường hơn 100km nên cô phải ở trọ, cuối tuần mới về thăm con một lần. Bốn chị em ở trong căn nhà gỗ, vách ván, mái lợp tôn đơn sơ được nhà trường và người dân dựng cho, mùa nắng thì nóng không ngủ được, mùa mưa thì dột lộp độp”.

“Năm ngoái, con em được 9 tháng, em bế vào cùng ở trọ lại trường, vừa chăm con vừa dạy. Sau đó, thấy tội nghiệp con lại cai sữa để ở nhà với bố. Sáng thứ 2 đi, chiều thứ 6 mới về nên nhớ con lắm. Mỗi lần gọi điện về, nghe tiếng con khóc đòi mẹ là lòng thắt lại…”, cô Duyên tâm sự.

“Chị em ở hoài trong cái phòng trọ rồi cũng quen. Mùa nắng thì còn đỡ, có tấm điện năng lượng, mùa mưa thì 17h đã ăn cơm tối và 19h đã lên giường ngủ vì không có điện. Chưa kể, vào mùa mưa học sinh nghỉ học nhiều, các cô phải lội bộ vận động đưa các em đến lớp”. cô Nguyễn Thị Mạnh (dạy lớp 1, nhà ở huyện Krông Bông) góp chuyện và bảo: “Không năm nào chúng em có được ngày 20/11 đúng nghĩa. Thày cô giáo ở nhiều nơi được nhận những bó hoa tươi thắm, còn chúng em không bao giờ có, thày cô chỉ tự chúc nhau thôi”. Như ngày 20/11 vừa rồi, chúng tôi gọi điện chúc mừng, đầu bên kia các cô nghẹn ngào: “Mưa lụt, nước sông lớn, các em không đến trường, buồn lắm anh ơi!!!”

Thày Vũ Đình Tùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết: “Điểm trường thôn Ea Rớt có 6 giáo viên giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 5, hầu hết là con em đồng bào Mông. Thời gian qua, cơ sở vật chất của trường khó khăn, đường sá đi lại không thuận lợi khiến một số giáo viên phải ở trọ lại trường để giảng dạy, cuối tuần mới về. Tuy khó khăn vất vả nhưng thày cô giáo luôn động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian tới, nhà trường mong các cấp quan tâm, có dự án xây dựng đường, cầu vào điểm trường để việc đi lại của các giáo viên được dễ dàng hơn”.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Krông Bông cho hay, do điều kiện địa phương còn khó khăn nên Phòng Giáo dục và nhà trường động viên các cô giáo bằng tinh thần là chủ yếu. Để việc dạy và học tại điểm trường Ea Rớt được tốt, Phòng Giáo dục cũng như nhà trường chỉ mong cấp trên quan tâm, xây dựng nhà công vụ cho giáo viên khang trang hơn để họ an tâm công tác”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.