Đường sắt

Có vốn vẫn không thể ký hợp đồng bảo trì đường sắt, vì sao?

27/03/2021, 06:30

Dù vốn được bố trí đầy đủ nhưng các doanh nghiệp (DN) vẫn không thể ký hợp đồng thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

img

Các công ty bảo trì Đường sắt đang gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì

Nhiều DN phải xoay xở, thậm chí vay ngân hàng cả tỷ đồng để trả lương nhân viên...

Oằn lưng vay ngân hàng trả lương công nhân

Ông Bùi Đình Sỹ, Giám đốc Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội chia sẻ, đầu năm nay, các công ty bảo trì đường sắt gặp rất nhiều khó khăn về tài chính do chưa ký được hợp đồng đặt hàng bảo trì. Vốn đã được Bộ GTVT giao Cục Đường sắt VN từ tháng 12/2020 nhưng vướng cơ chế, quy định pháp luật nên chưa thể triển khai.

Theo ông Sỹ, dù chưa được ký hợp đồng, nhưng TCT Đường sắt VN đã có văn bản chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các DN cổ phần bảo trì đường sắt phải đảm bảo công tác an toàn chạy tàu. Vì vậy, công ty vẫn phải vận dụng nguồn lực để đưa vật tư, thiết bị vào công trình để duy trì trạng thái hạ tầng, đảm bảo an toàn.

“Áp lực nhất là trả lương cho người lao động. Từ đầu năm 2021 đến nay, chúng tôi vẫn thực hiện tạm ứng lương hàng tháng cho người lao động. Riêng lương tạm ứng quý I cho gần 500 CBCNV đã là 7 tỷ đồng và hiện đang sử dụng vốn của công ty để chi trả. Hết quý I, công ty sẽ phải trả khoảng 11 - 12 tỷ đồng tiền lương, chưa kể tiền bảo hiểm hàng tháng khoảng 1 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ chỉ 22,5 tỷ đồng, nếu tình hình này kéo dài, buộc phải vay ngân hàng”, ông Sỹ than.

Cũng theo ông Sỹ, năm 2020, TCT Đường sắt VN hỗ trợ các DN bảo trì vay để cầm cự. Như công ty của ông được vay khoảng 6 - 7 tỷ đồng. Nhưng năm nay, ảnh hưởng bởi Covid-19 nên không có nguồn hỗ trợ này.

Ông Phạm Nguyễn Chiến, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh cho hay, thông thường sau khi ký hợp đồng đặt hàng sẽ được tạm ứng vốn khoảng 30%. Năm nay chưa ký nên chưa được tạm ứng, trong khi công ty vẫn phải trả lương cho CBCNV, với khoảng 750 người. Riêng tiền lương và các khoản bảo hiểm đã phải chi khoảng 8 - 8,5 tỷ đồng/tháng, chưa kể các chi phí thường xuyên khác… Vì thế, công ty đã phải đi vay ngân hàng từ tháng 2/2021.

Vẫn chưa thống nhất phương án giao vốn

Lý giải thực trạng trên, ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, từ đầu năm 2020 đã nảy sinh các vướng mắc liên quan đến chủ thể được giao vốn và phương thức thực hiện.

Đối với dự thảo Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, vẫn đang có những quan điểm khác nhau về các phương án giao vốn và các phương án đặt hàng. Bộ Tài chính cho rằng, phương án 2 (từ năm 2021 trở về sau, giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về đường sắt là Cục Đường sắt VN thực hiện theo Luật Ngân sách) phù hợp với Luật Ngân sách, Điều 10 Nghị định 46/2018 và Nghị định 32/2019. Nhưng theo Bộ Tư pháp, phương án 1 (giao TCT Đường sắt VN thực hiện) không trái với các quy định pháp luật hiện hành; Còn phương án 2 có thể phát sinh một số vấn đề, trong đó chưa phù hợp với Luật Đường sắt, Luật Đấu thầu.
Trong khi đó, Bộ GTVT lại chọn phương án 2. Do đó, đến nay, Đề án vẫn chưa được phê duyệt nên những tồn tại trên chưa được xử lý, dẫn đến chưa thể ký hợp đồng đặt hàng.


Lý do sâu xa xuất phát từ việc TCT Đường sắt VN đã chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách, Bộ không thể giao cho TCT như trước.

“Việc lựa chọn các phương án đặt hàng với TCT Đường sắt VN và 20 DN bảo trì đường sắt theo các quy định pháp luật đường sắt và Luật Đấu thầu, Nghị định 32/2019… vẫn còn những cách hiểu khác nhau. Chính vì vậy, tháng 4/2020, số vốn bảo trì năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển từ Cục Đường sắt VN về TCT Đường sắt VN để thực hiện nhưng năm 2021 các khó khăn này lại lặp lại”, ông Hồng Anh nói.

Ông Hồng Anh cũng cho biết, để có căn cứ pháp lý lâu dài, từ năm 2019, Bộ GTVT đã xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự thảo đề xuất 2 phương án: Giao TCT Đường sắt VN thực hiện và Từ năm 2021 trở về sau, giao cho cơ quan quản lý Nhà nước về đường sắt (Cục Đường sắt VN) thực hiện theo Luật Ngân sách.

Tại thời điểm tháng 12/2020, đề án vẫn chưa được duyệt nên Bộ GTVT quyết định giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021 cho Cục Đường sắt VN và yêu cầu Cục ký hợp đồng đặt hàng với các DN.

“Từ tháng 1/2021 đến nay, Cục đã chủ động triển khai các chỉ đạo của Bộ GTVT, đồng thời làm việc nhiều lần với TCT Đường sắt VN và các DN bảo trì về hoàn thiện thủ tục ký và triển khai thực hiện hợp đồng đặt hàng. Tuy nhiên, các DN chưa đồng ý với lý do chưa có căn cứ pháp lý để ký”, ông Hồng Anh cho hay.

Vì sao TCT Đường sắt VN chưa đồng ý ký hợp đồng năm 2021?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Gia Khánh, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho hay, những vướng mắc về quy định pháp luật trong giao vốn bảo trì vẫn như năm 2020, chỉ có một thay đổi là Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 03 thay thế Thông tư 16, trong đó chuyển đổi chủ thể được giao dự toán là TCT (theo Thông tư 16) thành Cục Đường sắt VN tổ chức đặt hàng.

Theo ông Khánh, như vậy TCT trở thành nhà thầu và Cục Đường sắt VN đặt hàng nhiệm vụ gì thì TCT thực hiện nhiệm vụ đó. Trong khi theo Luật Đường sắt, TCT là DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt nên phải chịu trách nhiệm bảo toàn trạng thái, tình trạng tài sản. Muốn vậy, phải có tiền để duy tu, sửa chữa. Nhưng vốn lại giao cho Cục Đường sắt VN để tổ chức đặt hàng 20 công ty cổ phần bảo trì.

Khi đó, TCT không thể điều hành các DN cổ phần này bằng mệnh lệnh hành chính mà phải thông qua hợp đồng. Nhưng TCT không là chủ thể được giao vốn để ký hợp đồng với các DN này thì không thể điều hành, chỉ đạo được. Nhất là trong chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt hay trong quá trình chạy tàu xảy ra sự cố. Nếu TCT Đường sắt VN thành nhà thầu giám sát đối với các công ty bảo trì mà TCT giữ cổ phần chi phối, sẽ vi phạm Luật Đấu thầu.

“Hiện, TCT Đường sắt VN đang chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định và sau đó phải có hướng dẫn chi tiết từ cơ quan có thẩm quyền mới thực hiện được, để đảm bảo đúng các quy định pháp luật”, ông Khánh nói.

Kiến nghị Thủ tướng phê duyệt Đề án

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc liên quan việc triển khai thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021. Tại văn bản này, Bộ GTVT cho rằng, việc giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho TCT Đường sắt VN chỉ được thực hiện khi Thủ tướng Chính phủ xem xét chuyển TCT này từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN về Bộ GTVT quản lý. Khi đó, hàng năm, TCT Đường sắt VN sẽ được giao dự toán ngân sách Nhà nước sử dụng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt để chủ động tổ chức thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia; chủ động thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của DN kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được quy định tại Luật Đường sắt.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư để các cơ quan, đơn vị có căn cứ triển khai thực hiện.

Trong thời gian Đề án chưa được phê duyệt, Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, TCT Đường sắt VN khẩn trương triển khai ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt VN để đảm bảo chất lượng công trình, ATGT và chế độ cho người lao động.

Ngày 24/3, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 1956 gửi các Bộ GTVT, Tài chính, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN và TCT Đường sắt VN truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 908/VPCP-CN ngày 4/2/2021; khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại Văn bản 193/BTP-PLDSKT ngày 22/1/2021, hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.