Vận tải

Còn 50.000 ô tô trốn lắp camera giám sát

19/04/2022, 06:02

Từ 1/1/2022, theo quy định, xe kinh doanh vận tải từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt rất nặng.

Tuy nhiên, sau 4 tháng, vẫn còn 50.000 xe chưa lắp, số xe bị xử phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chủ yếu nhắc nhở

Tại Hà Nội, ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay, trên địa bàn vẫn còn gần 22.000 xe (trong tổng số 34.200 xe) chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định 10, trong đó đa phần là xe hợp đồng (hơn 18.000 xe).

img

Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn gần 22.000 xe (trong tổng số 34.200 xe) chưa lắp camera theo quy định tại Nghị định 10, trong đó đa phần là xe hợp đồng (Trong ảnh: Đội Thanh tra GTVT quận Nam Từ Liêm kiểm tra việc chấp hành quy định lắp camera giám sát trên xe khách tại khu vực bến xe Mỹ Đình). Ảnh: Tạ Hải

Theo ông Long, Sở đã yêu cầu TTGT phối hợp với lực lượng chức năng ngành Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong đó tập trung vào xe hợp đồng lưu thông trên đường vì hiện tỷ lệ lắp đặt đối với loại hình kinh doanh này rất thấp.

Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, xe kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera lưu trữ hình ảnh trong suốt hành trình trước ngày 1/7/2021.
Đơn vị vận tải phải lưu trữ hình ảnh camera tối thiểu 24 giờ gần nhất với xe chạy cự ly đến 500km và tối thiểu 72 giờ với xe chạy trên 500km. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, TTGT và cơ quan cấp giấy phép nhằm kiểm soát hoạt động của lái xe, ngăn ngừa xe chở quá tải, nhồi nhét khách.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã cho phép lùi thời hạn xử phạt hành vi không lắp thiết bị này đến hết ngày 31/12/2021.


Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội thông tin, từ ngày 1/1/2022 đến nay, Thanh tra Sở đã bố trí lực lượng tại khu vực các bến xe như: Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa, Gia Lâm, Sơn Tây trên các tuyến đường để xử phạt các xe không lắp camera hoặc có lắp nhưng camera không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe. Kết quả, đến nay đã xử phạt 2 trường hợp với tổng số tiền 14 triệu đồng.

Lý giải lý số lượng xe chưa lắp camera nhiều nhưng xử phạt ít, ông Hiệp cho biết: “Quá trình kiểm tra phát hiện xe nào vi phạm thì xử phạt, chứ chúng tôi không thể kiểm tra được hết tất cả các xe.

Ví dụ như xe hợp đồng, người ta chỉ xin phù hiệu xong chạy không đăng ký nốt ở bến. Người ta có 100 xe nhưng nhu cầu hoạt động 70 xe, còn lại nghỉ phòng dịch thì sao chúng tôi kiểm tra, xử lý được. Còn muốn đến tận các doanh nghiệp kiểm tra thì phải thành lập theo đoàn”.

Cũng theo ông Hiệp, thời gian tới, TTGT tiếp tục chỉ đạo các Đội tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự ATGT và sẽ kết hợp kiểm tra, xử lý vi phạm về lắp camera.

Nếu như ở Hà Nội đã xử phạt được 2 trường hợp, thì tại nhiều địa phương khác, dù số xe chưa lắp camera còn nhiều nhưng hầu như lực lượng chức năng mới chỉ… nhắc nhở là chính.

Tại Quảng Ninh, ông Mạc Đức Sơn, Phó Trưởng Phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện, Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, trên địa bàn có 146 đơn vị kinh doanh vận tải, tổng số phương tiện phải lắp camera là 2.029 xe. Đến nay, có 1.981 xe đã lắp, số còn lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang dừng hoạt động.

Theo đại diện Sở GTVT Hải Phòng, đến nay đã có trên 13.000 xe (trên tổng số hơn 16.000 xe) lắp camera giám sát. Số còn lại do ảnh hưởng của dịch bệnh nên chưa hoạt động.

Ông Hoàng Tiến Nam, Chánh Thanh tra Sở GTVT Hải Phòng cho biết, thời gian qua lực lượng TTGT mới chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở. Thời gian tới, TTGT sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm.

Tương tự, tại TP.HCM, số lượng xe phải lắp camera là 51.879 xe, song thực tế mới có 2.183 xe thực hiện.

Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng vận tải Sở GTVT TP.HCM cho biết, theo báo cáo của các đơn vị kinh doanh vận tải, phần lớn những đơn vị này đã lắp camera theo quy định, những xe chưa lắp là chưa hoạt động trở lại sau dịch. “Những doanh nghiệp này không báo cáo thì Sở không kiểm soát được”, ông Hải nói.

Trong khi đó, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cũng cho biết, quá trình kiểm tra, hầu hết các xe kinh doanh vận tải đều tuân thủ quy định.

Mới có 150.000 xe lắp camera

Theo ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN, theo quy định tại Nghị định 10/2020, số xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo thuộc diện phải lắp camera trên cả nước là gần 207.000 xe.

Đến nay, tổng số phương tiện đã lắp đặt và truyền dữ liệu về hệ thống xử lý dữ liệu của Tổng cục Đường bộ VN khoảng trên 150.000 xe, đạt tỷ lệ khoảng 72%.

Số phương tiện còn lại chưa lắp có thể do nguyên nhân đã ngừng hoặc chưa hoạt động kinh doanh vận tải trở lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo Nghị định 123/2021, xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát khi tham gia giao thông sẽ bị xử phạt 1 - 2 triệu đồng đối với lái xe; 5 - 6 triệu đồng đối với cá nhân và 10 - 12 triệu đồng đối với tổ chức không lắp camera. Phương tiện bị thu hồi phù hiệu 1 - 3 tháng.


Thời gian qua, Tổng cục Đường bộ VN đã nhiều lần có văn bản đôn đốc các Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu hình ảnh từ camera phục vụ công tác quản lý vận tải theo quy định.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp không lắp đặt camera theo đúng quy định kể từ ngày 1/1/2022. Tuy vậy, đến nay vẫn còn khoảng 50.000 xe chưa lắp camera giám sát theo quy định.

“Tổng cục Đường bộ VN đã xây dựng và đưa vào sử dụng thử nghiệm hệ thống xử lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải để tiếp nhận dữ liệu kể từ ngày 1/1/2022.

Trong tháng 4/2022, Tổng cục Đường bộ VN sẽ thực hiện hướng dẫn khai thác, sử dụng phần mềm cho cán bộ quản lý vận tải, lực lượng TTGT tại Sở GTVT các tỉnh, thành phố. Khi Bộ GTVT đồng ý sẽ triển khai vận hành chính thức từ ngày 1/5 để phục vụ quản lý và xử phạt vi phạm”, ông Thủy cho hay.

Xử lý vi phạm phụ thuộc vào CSGT

Nói về việc xử lý đối với những xe chưa thực hiện quy định, ông Thủy cho hay, những xe trốn tránh lắp camera giám sát là những xe chỉ hoạt động trong phạm vi hẹp, nếu hoạt động chỉ cần ở mức liên huyện sẽ rất dễ bị phát hiện xử lý.

Theo Nghị định 123/2021, mức phạt đối với tổ chức không lắp camera giám sát là 10 - 12 triệu đồng, gấp 3 lần mức giá một bộ thiết bị camera. Bị phạt một lần doanh nghiệp sẽ không dám tái phạm và sẽ thực hiện đúng quy định.

“Tuy vậy, khó nhất hiện nay, đối với xe đang chạy, lực lượng TTGT không được dừng xe nên việc xử lý đối với những xe không lắp phụ thuộc vào công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng CSGT trên đường”, ông Thủy nói.

Về vấn đề này, đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc xử lý nghiêm các xe ô tô không lắp camera giám sát theo quy định.

Từ thực tế xử lý vi phạm trong quá trình tuần tra kiểm soát trên đường, Thiếu tá Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết, quá trình kiểm tra trên tuyến đường quanh bến xe Mỹ Đình, các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động tại bến xe đã lắp đặt tương đối đầy đủ.

Tuy nhiên, còn nhiều xe hợp đồng không có văn phòng đại diện, chạy ngoài (không vào bến), khi kiểm tra CSGT đã tuyên truyền, nhắc nhở, đồng thời ghi sổ, nếu tái vi phạm sẽ tiến hành xử lý.

Tượng tự, chỉ huy Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội thông tin, địa bàn đơn vị phụ trách có bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm. Quá trình kiểm tra, CSGT đã phát hiện một số ô tô khách tuyến cố định chưa lắp camera giám sát theo quy định.

“Nhiều lái xe, doanh nghiệp, đơn vị vận tải phân trần, do dịch bệnh kéo dài, hoạt động vận tải vắng khách nên chưa lắp. Họ đều cam kết sẽ lắp trong thời gian sớm nhất”, chỉ huy Đội 14 cho biết.

Tại Đà Nẵng, đến nay các phương tiện kinh doanh vận tải thuộc diện phải lắp camera đã đạt 100%.

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Sở GTVT TP Đà Nẵng cho biết, thành phố có hơn 4.000 phương tiện phải lắp camera và đã hoàn thành trong Tết Nguyên đán vừa qua.

Sở GTVT giao các Hiệp hội vận tải địa phương tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh vận tải thực hiện quy định. Nhờ sự sâu sát đó nên việc lắp đặt camera ở địa phương thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Ngoài ra, một số địa phương khác cũng đạt tỷ lệ cao như: Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang là 100%; Nam Định, Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Lai Châu trên 90%...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.