Vì công việc bận rộn, không ít bố mẹ sao nhãng trong việc nuôi dạy và quan tâm tới con cái. Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình như thế này thường có một bóng đen tâm lý không thể xóa nhòa, khiến tính cách dần trở nên méo mó, tiêu cực.
Sau khi sinh con, Tiểu Lưu và chồng không có thời gian chăm sóc con trai nên đã gửi con về quê nội nhờ ông bà chăm giúp. Vì ông bà nội đều đã nghỉ hưu, sức khỏe cũng còn tốt nên việc chăm sóc không gặp trở ngại gì.
Vì là cháu trai nên con của Tiểu Lưu rất được ông bà chiều chuộng. Cậu bé rất hay nghịch ngợm nhưng gia đình 3 người sống ở quê vẫn rất vui vẻ. Dẫu vậy, thỉnh thoảng cậu bé vẫn rất buồn và thường hỏi ông bà: “Tại sao bố mẹ lại không đến đón cháu”. Ông bà chỉ biết nói rằng: “Vì bố mẹ bận làm việc nên thỉnh thoảng mới về quê thăm con”.
Ảnh minh họa.
Sau khi con trai Tiểu Lưu vào tiểu học, đó cũng là lúc cô và chồng ly hôn. Cậu bé rất buồn, không muốn ở cùng với bố mẹ mặc dù cả 2 có ý định đón lên thành phố để tiện cho việc học hành. Sau khi bố mẹ ly hôn, con trai Tiểu Lưu từ một đứa trẻ nghịch ngợm đã trở nên trầm tính. Cậu bé yêu thương ông bà của mình hơn nhưng lại không muốn nói chuyện nhiều với bố mẹ mình.
Tiểu Lưu và chồng cũng hiểu được những thiếu thốn tình cảm mà con trai đang chịu đựng nên ra sức bù đắp bằng vật chất. Thế nhưng, cậu bé vẫn không quan tâm, ngày càng coi họ như người dưng trong cuộc đời mình.
Những đứa trẻ thiếu tình thương của bố mẹ sẽ trở nên như thế nào?
Đối với con cái, thứ chúng cần nhất không phải là vật chất bố mẹ đem lại mà chính là tình thương và sự quan tâm mỗi ngày. Nếu chẳng may sinh ra trong một gia đình thiếu tình thương, theo thời gian đứa trẻ sẽ dần hình thành những tính cách sau:
1. Thiếu tự tin
Có những đứa trẻ bề ngoài trông rất mạnh mẽ nhưng sâu thẳm bên trong chúng là một người rất nhạy cảm, mong manh. Khi không được bố mẹ quan tâm nhiều, có không ít đứa trẻ tự tìm niềm vui cho mình trên thế giới ảo. Chỉ có trên mạng chúng mới tìm thấy niềm vui, có bạn bè tâm sự, có thế giới riêng của mình.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình thiếu tình thương thường rất rụt rè, tự ti, luôn cảm thấy tủi thân khi nhìn thấy bố mẹ của người khác cưng chiều con cái họ.
2. Thiếu lập trường
Trẻ em lớn lên trong gia đình thiếu tình thương dễ hình thành tính cách dễ dãi, không dám đưa ra ý kiến của mình, cũng chẳng dám phản bác lại những điều sai trái tổn hại tới bản thân.
Trong một số trường hợp, đứa trẻ còn trở thành người thích nịnh hót chỉ vì muốn có nhiều người thích mình. Trẻ cũng ít có bạn bè thực sự, khó kết bạn, thường sống trong thế giới nội tâm của riêng mình.
3. Thiếu bình tĩnh
Một đứa trẻ thiếu tình yêu thương thường nhạy cảm. Nếu ai đó có một cử chỉ hay biểu hiện vô tình, trẻ sẽ tự hỏi liệu họ có ghét mình hay coi thường mình không.
Những đứa trẻ như vậy cũng dễ bị bộc phát cảm xúc. Cũng có một số người nghiện mua sắm, tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, cảm thấy bất an nên tự thỏa mãn bằng vật chất, bù đắp cho bản thân.
Những đứa trẻ lớn lên trong một gia đình thiếu đi sự đồng hành của bố mẹ rất dễ bị tổn thương. Chúng có rất nhiều vấn đề tâm lý nên bố mẹ cần quan tâm tới con cái của mình nhiều hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận