Xã hội

Tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia

29/11/2023, 09:56

Nghị quyết Quốc hội vừa thông qua đánh giá, công tác phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ triển khai, chương trình mục tiêu quốc gia.

Nguyên nhân kéo chậm chương trình mục tiêu quốc gia

Sáng 29/11, với 459 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 92,91%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là chương trình).

Nghị quyết nêu rõ, đến nay công tác tổ chức thực hiện các chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội.

Còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Các đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm, đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Quốc hội đánh giá việc thực hiện các chương trình còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc xác định nhu cầu, lập kế hoạch, phân bổ vốn chưa sát thực tế ở nhiều địa phương. Phân bổ vốn trung hạn, giao vốn ngân sách Trung ương năm 2022 chậm, đặc biệt giao vốn sự nghiệp còn bất cập, chưa có sự thống nhất giữa các chương trình.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.

Nguyên nhân chủ quan là do các chương trình còn dàn trải, manh mún, chia cắt, chưa có cơ chế rõ ràng về phân cấp, phân quyền; chưa có cơ chế đặc thù để xử lý các nội dung vướng mắc, khó, nhạy cảm.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp của một số bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã làm chậm tiến độ triển khai, giảm hiệu quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo trình tự, thủ tục rút gọn

Về nhiệm vụ, giải pháp, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong báo cáo của đoàn giám sát. 

Còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm làm chậm tiến độ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 2.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết với 459 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 92,91%).

Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm thủ tục hành chính... để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các chương trình.

"Tiếp tục đánh giá mô hình ban chỉ đạo, cơ quan giúp việc ban chỉ đạo các cấp, làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan thường trực ban chỉ đạo, cơ quan chủ chương trình, người đứng đầu các bộ, ngành liên quan, địa phương và các cơ quan tổ chức khác đối với những tồn tại, hạn chế do chủ quan, xem xét, xử lý theo quy định", nghị quyết yêu cầu.

Đối với chính quyền địa phương thì UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện, tiến độ, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức, đơn vị khác trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như với các chương trình, dự án khác; có cơ chế huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thúc đẩy việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình…

Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết này trong báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Quốc hội yêu cầu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.