Thi viết về GTVT

Con đường “kéo” Mô Rai gần hơn thành phố

08/12/2022, 06:00

Đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (QL14C) qua Kon Tum từng là cái nôi của Mặt trận B3, chứng kiến bao trận chiến khốc liệt.

Giờ đây, tuyến đường này là huyết mạch lưu thông của người dân tỉnh Kon Tum.

Ký ức gian khó lùi xa

img

Những người công nhân miệt mài mở những tuyến đường kết nối huyện Mô Rai với TP Kon Tum

Bon bon trên QL14C từ TP Kon Tum đến xã Mô Rai (huyện Sa Thầy), hiện ra trước mắt chúng tôi là một rừng cao su bạt ngàn xanh tốt. Trên các đồi cao là những rẫy mì đang bước vào mùa thu hoạch.

Một lãnh đạo Sở GTVT Kon Tum chia sẻ, trước đây, do giao thông chia cắt, Mô Rai không khác gì một “ốc đảo”.

Phải đến khi TL674 được Nhà nước đầu tư xây dựng và giờ đây thêm QL14C được nâng cấp, Mô Rai mới “gần” hơn với TP Kon Kum. Kinh tế vì thế mà khởi sắc, đời sống người dân cũng vì thế ngày một nâng lên.

Già làng A Blong (xã Mô Rai) chia sẻ, trước đây, đời sống người dân rất khó khăn, nhiều hủ tục tồn tại từ bao đời. Tuy nhiên, từ khi tuyến QL14C được mở rộng, nâng cấp, câu chuyện đã khác.

Bà con không chỉ được cán bộ phổ biến các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi để đời sống dần khấm khá, mà việc sinh hoạt cũng đã có nhiều thay đổi.

“Cán bộ đã bày cho cách “ăn chín, uống sôi”, biết phòng ngừa các loại dịch bệnh”, Già làng A Blong khoe.

Theo lãnh đạo UBND xã Mô Rai, nhờ có QL14C và tuyến TL674 được đầu tư, nâng cấp, Mô Rai thay đổi từng ngày.

Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã đạt 10/19 tiêu chí.

Tìm hiểu của PV, Mô Rai là xã dài dọc biên giới đến gần 100km, có diện tích tương đương với một huyện, từng đối mặt với những tội ác của Pôn Pốt.

Bác sĩ quân y, Thượng tá Đặng Văn Tình, nguyên Trưởng Trạm Y tế Binh đoàn 15 tại xã Mô Rai kể, sau khi đuổi được Pôn Pốt, Công ty Cao su 78 lần lượt đưa người dân Thanh Hóa vào làm công nhân cho nông trường cao su trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.

Sau vài năm, họ lần lượt đưa gia đình vào đây sinh sống. Lúc này, Công ty Cao su 78 bắt đầu thành lập các đội sản xuất, quy hoạch định cư cho người dân ở theo từng đội, nâng cao đời sống nhân dân bằng việc xây dựng các trường học, bệnh xá, chợ…

Tuy nhiên, những con đường hàng trăm cây số bụi bặm mùa khô, lầy lội mùa mưa, khiến xã Mô Rai gần nhưng cô lập thành “ốc đảo”.

Bệnh xá của Binh đoàn 15 không có phòng mổ, nên rất khó khăn cho việc cấp cứu và đưa những bệnh nhân nặng lên tuyến trên.

“Ngày ấy, những phụ nữ có bầu sức khỏe yếu, khó sinh, trước khi sinh khoảng 1 tháng chúng tôi đã đưa họ ra ngoài bệnh viện của Binh đoàn 15 để chăm sóc, đến khi mẹ tròn con vuông mới đưa vào lại.

Vào mùa mưa, nếu có ca cấp cứu gấp, chúng tôi điều một xe tải hai cầu đi phục vụ xe cứu thương, sẵn sàng kéo xe cứu thương qua các đoạn đường lầy lội”, bác sĩ Tình nhớ lại.

Nhớ về thời điểm thực hiện thi công tuyến QL14C, ông Huỳnh Tấn Phục, nguyên Giám đốc Sở GTVT Kon Tum kể: “Khó khăn nhất khi triển khai dự án là nhân công, sau đó là vật liệu.

Chính quyền địa phương đã giúp tìm nhân công tại chỗ là những người đồng bào và tinh thần người dân hừng hực khí thế.

Còn các mỏ đá, cát tại địa phương cũng được trưng dụng để dự án hoàn thành nhanh nhất”.

Cuộc sống đổi thay từng ngày

img

Sau 6 năm thành lập, huyện mới Ia H’drai đã thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống của người dân vùng biên giới

Theo Sở GTVT Kon Tum, hơn 10 năm trước, khi tranh thủ được vốn, ngành GTVT đầu tư trước toàn bộ hệ thống cầu trên dọc toàn QL14C.

Sau đó, hàng năm, từ nguồn vốn trung ương, địa phương tiếp tục đầu tư xây dựng gần 40km (giai đoạn 2 - QL14C) qua huyện Ia H’Drai và đoạn từ trung tâm huyện Ngọc Hồi đến xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi).

Đến nay, hai đoạn đường này được đầu tư hoàn thiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng.

Huyện Ia H’Drai được chia tách mới đó đã hơn 6 năm. Ia H’Drai là vùng đất biên giới nằm trong vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của tỉnh và đất nước.

Đây là vùng đất giàu tiềm năng về đất đai, khoáng sản và tài nguyên nhưng do khó khăn về giao thông nên tốc độ phát triển bị hạn chế.

Việc hoàn thành đầu tư nâng cấp, sửa chữa QL14C được người dân 3 huyện Ia H’Drai, Sa Thầy và Ngọc Hồi nhiệt tình đón nhận.

Từ khi QL14C được nâng cấp đã đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng, đồng thời tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế xã hội của các huyện vùng biên giới phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Thạch, Bí thư Huyện ủy cho biết, từ khi thành lập huyện, muốn về trung tâm Kon Tum, cán bộ và người dân huyện phải vòng qua Gia Lai ra TP Pleiku.

Tuyến QL14C là tuyến đường huyết mạch đi qua huyện được sửa chữa, nâng cấp, rút ngắn được một nửa quãng đường về tỉnh lị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại cho việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa của người dân.

Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch tỉnh Kon Tum, chia sẻ: “Khi con đường được đầu tư hoàn thiện không chỉ tạo điều kiện buôn bán hàng hóa của người dân mà nó còn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của huyện Ia H’Drai và nhánh Tây huyện Sa Thầy.

Một khi giao thông được thông suốt cũng giúp cho huyện Ia H’Drai và Sa Thầy thuận lợi hơn trong việc thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến đầu tư tại hai huyện này…”.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Kon Tum có điểm đầu thuộc xã Tân Cảnh, huyện Đắk Tô đến TP Kon Tum có chiều dài 23,7km; Tổng mức đầu tư 860 tỷ đồng bằng nguồn Trái phiếu Chính phủ.

Trong đó, giá trị xây lắp 560 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 180 tỷ đồng, còn lại là dự phòng và chi phí khác. Sở GVT tỉnh Kon Tum là chủ đầu tư, thời gian thi công 24 tháng.

Đây là dự án cuối cùng của dự án đường Hồ Chí Minh đi qua địa phận các tỉnh Tây Nguyên được khởi công vào tháng 9/2023.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.