Lãnh đạo Công đoàn GTVT Việt Nam thường xuyên kiểm tra công tác chăm lo đời sống và thăm hỏi, động viên người lao động tại các công trình, cơ sở sản xuất |
Năm 2016, các cấp Công đoàn (CĐ) ngành GTVT đã có nhiều hoạt động thiết thực khơi dậy, cổ vũ khả năng sáng tạo, vượt qua khó khăn của người lao động toàn ngành. Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch CĐ GTVT Việt Nam trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.
Hoạt động công đoàn hướng tới cơ sở
Năm 2016, CĐ GTVT có những hoạt động nổi bật nào đóng góp cùng toàn ngành vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thưa ông?
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và Nghị quyết số 13-NQTW của BCH Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, nhiệm vụ chính trị của toàn ngành GTVT là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, nguồn lực của một số doanh nghiệp sau tái cơ cấu, CPH giảm sút, tình hình việc làm khó khăn…
Thách thức đó, đòi hỏi mỗi CB,CNVC-LĐ phải nỗ lực hơn. Vì vậy, chúng tôi xác định tổ chức CĐ phải tham gia tích cực, chủ động trong các hoạt động, khẳng định được vai trò là hạt nhân đoàn kết và phát huy sức lao động, sáng tạo của người lao động (NLĐ). Để các hoạt động đạt hiệu quả cao, CĐ tiên phong trong mọi hoạt động, lĩnh vực. Năm 2016 cũng là năm chúng tôi xác định mọi hoạt động phải hướng tới cơ sở, vì NLĐ; Lãnh đạo CĐ GTVT Việt Nam trực tiếp đi kiểm tra công tác chăm lo đời sống, việc làm cho NLĐ ở hiện trường, từ những công trình đến các cơ sở sản xuất; Đảm bảo các thiết bị an toàn lao động đến đảm bảo chất lượng bữa ăn, vệ sinh môi trường nơi làm việc… Qua đó, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh các vi phạm, đồng thời tặng quà, thăm hỏi, động viên NLĐ cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Năm 2016 ghi dấu 50 năm truyền thống vẻ vang của CĐ GTVT Việt Nam. Nhân dịp này, CĐ đã có những hoạt động thiết thực gì?
Nhân dịp này, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động, nổi bật là Hội nghị Biểu dương công nhân lao động xuất sắc, tiêu biểu ngành GTVT năm 2015 vào tháng 5/2016; Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi ngành GTVT năm 2016 vào tháng 10/2016; Tổng kết và trao giải cuộc thi viết “Đi trước mở đường” trên Báo Giao thông và Hội thi lái xe ô tô giỏi và an toàn ngành GTVT năm 2016 vào tháng 11/2016…
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”, chúng tôi tiếp tục vận động NLĐ toàn ngành, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm dóng góp, ủng hộ Quỹ Xã hội - Từ thiện, tính từ khi đi vào hoạt động đến nay, tổng số tiền đã gần 150 tỷ đồng. Quỹ đã hỗ trợ xây dựng trên 511 “Mái ấm CĐ”, “Nhà tình nghĩa” cho CNVC-LĐ và các cựu TNXP; Tặng trên 4.383 sổ tiết kiệm cho các cựu TNXP; Thăm, hỗ trợ trên 6.200 lượt CNVC-LĐ trong ngành, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn; Thăm hỏi NLĐ bị tai nạn lao động, TNGT…
Công đoàn phải tự đổi mới
Ông nhiều lần nói, hoạt động CĐ ngày càng có nhiều thách thức do nhu cầu phát triển của ngành GTVT cũng như đất nước ngày càng cao. Ông có thể nói rõ những thách thức đó là gì?
Những năm tới, đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với những hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tác động trực tiếp đến phong trào CNVC-LĐ và hoạt động của các tổ chức CĐ, trong đó có CĐ GTVT Việt Nam. Mặt khác, đời sống, việc làm của một bộ phận NLĐ còn gặp nhiều khó khăn, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp ngày càng phức tạp, tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quyết liệt hơn. Cùng đó, điều kiện hoạt động, mô hình tổ chức, kinh phí của tổ chức CĐ có nhiều thay đổi đang là những thách thức lớn đối với tổ chức CĐ nói chung, CĐ GTVT nói riêng.
Nhưng theo tôi, thách thức lớn nhất vẫn là phải làm thế nào để tổ chức CĐ khẳng định được vai trò thực sự là tổ chức duy nhất đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Vậy, CĐ phải làm gì để vượt qua được những thách thức này, thưa ông?
Không có cách nào khác, tổ chức CĐ các cấp hơn bao giờ hết phải đổi mới quyết liệt cả nội dung và phương thức hoạt động. Hoạt động CĐ phải thiết thực, cụ thể hơn và phải gắn với NLĐ, phải chia sẻ với NLĐ, phải làm sao để khiến NLĐ tin tưởng đây thực sự là tổ chức đại diện duy nhất, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mình. Mô hình tổ chức phải đơn giản, gọn nhẹ nhưng hiệu quả.
Năm 2016, CĐ GTVT Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động xã hội, tuyên truyền giáo dục, xây dựng đội ngũ; Xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh, đẩy mạnh các hoạt động nữ công; Phối hợp chỉ đạo CĐ ngành GTVT các địa phương chủ động phối hợp với các cơ quan đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện mục tiêu chung toàn ngành “Chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12”. CĐ cũng phát động phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên nỗ lực lao động, sản xuất, cống hiến ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành GTVT. |
Để thực hiện được điều đó, bên cạnh việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động cụ thể, rõ ràng, chúng tôi xác định phải xây dựng những chương trình hành động cụ thể và những nội dung triển khai thực hiện chi tiết. Tổ chức CĐ phải hiểu hết chức trách, nhiệm vụ và quyền, nghĩa vụ của mình để dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng, phối hợp với chính quyền chăm lo tốt đời sống, việc làm cho NLĐ, đảm bảo NLĐ có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Quan tâm, chú trọng xây dựng các thiết chế cho NLĐ, trong đó có nhà trẻ, trường học, nơi chăm sóc sức khỏe; Chăm lo đến từng bữa ăn của NLĐ đảm bảo đúng chế độ và an toàn thực phẩm. Chú trọng công tác đảm bảo ATLĐ, phát triển hệ thống vệ sinh viên và thực hiện tốt công tác giáo dục cho mỗi NLĐ, mỗi đoàn viên CĐ phải biết tự bảo vệ mình, phải biết đấu tranh vì sự an toàn cho mình. Ngoài ra, công tác về đời sống, phong trào VHTT… cũng phải được tổ thức một cách hợp lý, tiết kiệm nhưng hiệu quả để động viên tinh thần NLĐ…
Đặc biệt, sau CPH, tái cơ cấu, việc thay đổi mô hình sản xuất, thay đổi quan hệ quản trị đương nhiên sẽ có biến động về lao động. Vì vậy, CĐ phải hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp mới; Phải tham gia cùng chính quyền và các cấp để giải quyết thỏa đáng chế độ cho những lao động dôi dư. Mặt khác, CĐ cần tham gia bảo vệ NLĐ bằng thỏa ước lao động tập thể để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động, NLĐ và lợi ích bền vững của đất nước.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận