Sẽ công khai chiết khấu, hoa hồng khi mua sắm tập trung. Ảnh minh hoạ |
Hoa hồng sẽ nộp vào ngân sách
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia (trừ thuốc) được quy định tại Thông tư 34/2016/TT-BTC gồm: Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; ban quản lý dự án sử dụng vốn Nhà nước; xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Ông Thịnh cũng cho hay, số lượng, chủng loại tài sản công cần mua và dự toán và nguồn vốn mua phải được công khai. Thậm chí, công khai cả các khoản chi hoa hồng, hình thức mua, nhà thầu cung cấp tài sản, chiết khấu, giảm giá.
“Mua sắm riêng lẻ hay tập trung thì nhà bán hàng có chiết khấu, giảm giá. Trong mua sắm số lượng nhiều, giá trị lớn thì các khoản chiết khấu, hoa hồng buộc phải công khai”, ông Thịnh nói.
Do mua sắm tập trung nên chỉ còn một số đơn vị thực hiện nên đại diện Cục Quản lý tài sản công cho rằng sẽ có sự giám sát rất lớn của các đơn vị sử dụng tài sản đối với đơn vị mua sắm tập trung.
Đối với vấn đề khoản chiết khấu, hoa hồng sẽ phân bổ đi đâu? “Chiết khấu, giảm giá vào giá bán, còn hoa hồng nếu có sẽ được nộp ngân sách nhà nước”, ông Thịnh khẳng định.
Mới thí điểm đã tiết kiệm 500 tỷ đồng
Về số tiền sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước nhờ phương thức mua sắm tập trung, ông Thịnh cho biết chưa ước tính được con số tuyệt đối nhưng theo kinh nghiệm các nước, phương thức này sẽ giảm chi phí khoảng 10-17% so với phương thức mua sắm riêng lẻ vẫn áp dụng trước đây.
Theo kết quả thí điểm, việc mua sắm tập trung đã giúp thu hẹp đầu mối, tiết kiệm, rà soát để đảm bảo định mức sử dụng tài sản của các cơ quan đơn vị nhà nước. Theo số liệu từ Bộ Tài chính, một năm với 1.500 xe ô tô công cần mua thì phải tổ chức tới 1.000 cuộc đấu thầu. Nay với phương thức mua sắm tập trung sẽ giảm chi phí mở thầu, đúng định mức...
Dù mới chỉ thực hiện ở quy mô nhỏ và các địa phương cũng mới chỉ chọn thí điểm mua sắm tập trung ở một số mặt hàng nhưng khoản tiết kiệm ban đầu đã lên tới 500 tỷ đồng.
Về nguồn lực chi ngân sách cho mua sắm tập trung, ông Thịnh cho biết ước tính khoảng 200.000 tỷ đồng mỗi năm. Việc mua sắm tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, vượt nhu cầu thực tế và mua sắm xa xỉ, không hiệu quả; hạn chế tiêu cực, sai phạm trong việc mua sắm công do việc thực hiện mua sắm được chuyên nghiệp hóa, công khai, minh bạch.
Đặc biệt, “khi phương thức mua sắm tập trung đi vào vận hành một cách chuyên nghiệp sẽ giảm bộ máy và biên chế trong mua sắm công”, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận