Thế giới giao thông

Công nghệ thông tin Trung Quốc: Từ thưởng cao đến cho nhân viên nghỉ việc

08/03/2019, 07:24

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ. Điều này đã làm gia tăng sự ảm đạm...

img
Người tìm việc tham gia một hội chợ việc làm ở TP Hàng Châu

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phát triển với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ. Điều này đã làm gia tăng sự ảm đạm đối với hy vọng tăng trưởng ngành công nghệ thông tin và internet, từng một thời rất phát triển tại quốc gia có dân số lớn nhất hành tinh.

Từ thưởng khủng đến đuổi việc

NetEase, công ty phát hành trò chơi trực tuyến lớn thứ hai của Trung Quốc với phân khúc thương mại điện tử đang phát triển, vừa thêm tên mình vào danh sách những công ty công nghệ lớn nhất của nước này buộc phải sa thải nhân viên sau dịp Tết Nguyên đán.

Chia sẻ trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một nhân viên NetEase (có trụ sở tại TP Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) cho biết, cô được hứa thăng chức trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi sau vài năm làm việc tại công ty. Nhưng, ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ kéo dài 7 ngày, NetEase đã cho cô nghỉ việc với lý do họ cần phải tái cấu trúc toàn công ty.

Nữ nhân viên này đã yêu cầu được giấu tên và cho biết, một số nhân viên mới được tuyển dụng vào NetEase hồi giữa tháng 2 cũng đã bị cho nghỉ việc chỉ sau 1-2 tuần.

Trong một tuyên bố, NetEase nói rằng việc sa thải là một phần của tái cấu trúc trên diện rộng để công ty hoạt động hiệu quả hơn. Việc cắt giảm việc làm chủ yếu đến từ đơn vị thương mại điện tử Yanxuan, thương hiệu chuyên khai thác về lĩnh vực nông nghiệp Weiyang và đơn vị công nghệ giáo dục của NetEase, theo báo cáo từ tạp chí Tài chính Caijing.

Trường hợp của NetEase chỉ là một trong những làn sóng sa thải nhân viên của các công ty công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển chậm lại và sự tụt giảm tính cạnh tranh giữa các hãng công nghệ hàng đầu, bao gồm công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc JD.com và “gã khổng lồ” chia sẻ xe lớn nhất Didi Chuxing.

Trong cuộc họp nội bộ vào cuối tháng 2, Didi Chuxing có kế hoạch sa thải 15% nhân viên của mình trong năm nay (tương đương 2.000 việc làm). Đây sẽ là một trong những đợt cắt giảm việc làm lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tới nay.

Trong khi đó, JD.com, một đối thủ của Alibaba, đang sa thải 10% quản lý cấp cao nhưng bổ sung 10.000 việc làm, chủ yếu là nhân viên và quản lý cấp cơ sở nhằm tăng hiệu quả kinh doanh và tập trung nguồn lực vào các phân khúc hứa hẹn hơn.

Thách thức gắn liền với triển vọng kinh tế

Cũng theo SCMP, trong nhiều thập kỷ, việc làm tại các cơ quan chính phủ hay doanh nghiệp Nhà nước Trung Quốc được ưa chuộng, loại công việc từng được ví như “chiếc bát sắt” vì sự ổn định và thành công. Tới thời kỳ bùng nổ của công nghệ thông tin và mạng internet, việc làm trong lĩnh vực này lại được ví như “chiếc bát vàng”.

Chứng khoán phát hành lần đầu của Tập đoàn Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tại New York từng giúp tạo ra hàng loạt triệu phú và tỷ phú USD chỉ sau một đêm. Hay các báo cáo tiền thưởng khủng cuối năm tại một số công ty công nghệ Trung Quốc đã thu hút người tìm việc từ khắp nơi trên thế giới.

Điển hình là vào đầu năm 2015, Tập đoàn Robin (sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc Baidu.com), công bố khoản tiền thưởng cho một nhân viên tương đương 50 tháng lương cho sự đóng góp của anh này trong năm 2014. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, “chiếc bát vàng” không còn đem lại khoản thu nhập cho người lao động trong ngành. Năm 2018, hơn 50% nhân viên trong ngành công nghiệp công nghệ cho biết, họ không nhận được bất kỳ khoản tiền thưởng nào đáng kể.

Không chỉ giảm số lượng nhân viên, Didi Chuxing đã cắt giảm một loạt các lợi ích tại nơi làm việc, bao gồm hủy các suất đồ ăn nhẹ và giải khát bữa chiều miễn phí, giảm xe buýt đưa đón và cắt thẻ vào miễn phí các phòng tập thể dục hoặc tiền hỗ trợ nhân viên đi tập gym, theo thông tin từ cổng thông tin trực tuyến Trung Quốc Sina.com hồi cuối tháng 2.

Li Qiang, Phó chủ tịch Zhaopin.com (một trong những trang web tuyển dụng trực tuyến lớn nhất tại Trung Quốc) cho rằng, những điều chỉnh này có nghĩa là các công ty công nghệ ở Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn mới tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra lợi nhuận. “Trong thời gian ngắn, điều này thật sự không vui cho người tìm việc và mang lại áp lực cho quản lý, nhưng đây là một sự điều chỉnh cần thiết cho lâu dài”, ông Li nhận xét.

Còn theo GS. Jeffrey Towson từ Đại học Bắc Kinh, không giống như các công ty công nghệ Mỹ, hầu hết các công ty internet Trung Quốc đều phụ thuộc vào lượng người tiêu dùng mua sản phẩm và dịch vụ thông qua điện thoại thông minh. Vì vậy, nếu niềm tin của người tiêu dùng giảm hơn nữa do nền kinh tế đi xuống, các công ty công nghệ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.