Kinh tế

Công nghiệp khí Việt Nam tăng tốc phát triển

18/02/2019, 07:36

Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp khí Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc.

img
PV GAS sở hữu hệ thống công trình khí hiện đại

Cụ thể, năm 2018, từ các hệ thống đường ống dẫn khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước 9,71 tỷ m3 khí khô, vượt 5% so với kế hoạch năm; 85,8 nghìn tấn condensate, vượt 53% so với kế hoạch năm và 261 nghìn tấn LPG, vượt 10% so với kế hoạch năm.

Trong đó, từ hệ thống đường ống dẫn khí Rạng Đông - Bạch Hổ - Phú Mỹ đã cung cấp cho các hộ tiêu thụ trong nước 1,21 tỷ m3 khí khô (Nhà máy Điện Bà Rịa, đạm Phú Mỹ…), vượt 4% so với kế hoạch năm; Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn đã cung cấp 6,41 tỷ m3 khí khô cho các hộ tiêu thụ trong nước (các nhà máy điện tại Phú Mỹ), vượt 3% kế hoạch năm, tăng 6% so với thực hiện năm 2017; Đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau đã cung cấp 1,92 tỷ m3 khí khô cho các hộ tiêu thụ khu vực Tây Nam bộ, vượt 11% so với kế hoạch năm; Đường ống dẫn khí Thái Bình đã cung cấp 160 triệu m3 khí, vượt 33% so với kế hoạch năm, tăng 1% so với năm 2017.

Dẫn đầu ngành công nghiệp khí Việt Nam, Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS) luôn chú trọng ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Các nhà máy xử lý, trạm phân phối khí của PV GAS được trang bị hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu, hỗ trợ vận hành giám sát và điều khiển từ xa (SCADA); Hệ thống đóng ngắt khẩn cấp/dừng an toàn (SSD) được sử dụng để điều khiển các thiết bị bảo vệ thông qua các công tắc bảo vệ hoặc tín hiệu từ hệ thống phát hiện lửa và khí; Sử dụng phần mềm quản lý tính toàn vẹn đường ống (PIMS) để quản lý các thông tin liên quan đến hệ thống đường ống giúp phân tích, đánh giá các kết quả khảo sát bên trong, bên ngoài đường ống, giúp nhận diện hiện trạng của đường ống hiện tại và đánh giá rủi ro, dự báo các nguy cơ cho đường ống trong tương lai…

img
Toàn cảnh Nhà máy Xử lý khí Cà Mau

Năm 2018, các chỉ tiêu tài chính của PV GAS đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và tăng trưởng so với năm 2017. Cụ thể: Tổng doanh thu hợp nhất đạt 71,6 nghìn tỷ đồng, vượt 28% so với kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2017; Tổng doanh thu Công ty mẹ - PV GAS đạt 64,9 nghìn tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch năm, tăng 10% so với năm 2017; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 10,6 nghìn tỷ đồng, vượt 66% so với kế hoạch năm, tăng 7% so với năm 2017; Lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ - PV GAS đạt 10,4 nghìn tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch năm, tăng 8% so với năm 2017.

PV GAS đứng trong top đầu doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận hợp nhất sau thuế/vốn chủ hữu cao, bình quân năm 2018 đạt 24% (năm 2017 là 18,9%); Tỷ suất lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ - PV GAS/vốn chủ hữu bình quân đạt 24,3% (năm 2017 là 19,6%).

Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính khác của PV GAS cũng rất tốt, cho thấy tiềm lực vững mạnh của doanh nghiệp điển hình trong ngành công nghiệp khí Việt Nam. Hệ số bảo toàn vốn của Công ty mẹ - PV GAS tại thời điểm 31/12/2018 đạt 1,09 lần (vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2018 là 42,7 nghìn tỷ đồng/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 1/1/2018 là 39,3 nghìn tỷ đồng), đảm bảo an toàn và phát triển vốn. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2018 của Công ty mẹ - PV GAS là 0,34 lần (vay nợ đến thời điểm 31/12/2018 là 14,46 nghìn tỷ đồng), đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của tổng công ty.

Đến nay, PV GAS đã tạo dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp khí tương đối hoàn chỉnh với 4 hệ thống khí: Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3 - Cà Mau và Hàm Rồng - Thái Bình, cùng hệ thống sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí trên địa bàn cả nước bao gồm: Phân phối khí thấp áp, CNG, LPG cho các khách hàng công nghiệp, khu đô thị, giao thông vận tải; hệ thống sản xuất và bọc ống dầu khí…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.