Thị trường

Công thức mới tính giá cơ sở xăng dầu thay đổi như thế nào?

24/11/2021, 18:16

Bộ Tài chính vừa có hướng dẫn phương pháp mới xác định yếu tố cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 104/2021/TT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu.

Thông tư này làm rõ hơn nội dung đã được quy định trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu với nhiều nội dung thay đổi về cơ chế điều hành xăng dầu và công thức tính giá.

img

Hướng dẫn phương pháp mới xác định yếu tố cấu thành trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu. Ảnh minh hoạ

Theo đó, Nghị định 95 quy định giá cơ sở xăng dầu ngoài được xác định từ nguồn nhập khẩu như trước đây và bổ sung quy định mới là tính thêm từ nguồn xăng dầu sản xuất trong nước.

Ngoài giá xăng dầu, giá cơ sở được tính thêm các khoản chi phí: Chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu, chi phí kinh doanh định mức, mức trích lập quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, các khoản thuế phí và trích nộp khác theo quy định.

Công thức tính mới cũng bổ sung quy định về cách tính thuế thu nhập theo bình quân gia quyền.

Trên cơ sở đó, theo hướng dẫn của Thông tư số 104, các yếu tố cấu thành trong công thức giá cơ sở xăng dầu bao gồm: Giá Etanol nhiên liệu; Tỷ lệ thể tích xăng, tỷ lệ thể tích Etanol nhiên liệu; Tỷ giá ngoại tệ quy đổi giá xăng dầu thế giới; Chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu; Chi phí về thuế tiêu thụ đặc biệt; Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng, Premium trong nước; Chi phí kinh doanh xăng dầu định mức; Lợi nhuận định mức; Tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu.

Bộ Tài chính cho biết, các khoản gồm: Chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có), chi phí kinh doanh định mức sẽ được rà soát, đánh giá và xem xét điều chỉnh định kỳ 6 tháng và hàng năm.

Trường hợp chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ biến động tăng hoặc giảm bất thường do yếu tố khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, trên cơ sở đề nghị cũng như báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị Bộ Tài chính đánh giá và phối hợp với Bộ Công thương xem xét điều chỉnh cho phù hợp.

Được biết, hướng dẫn mới của Bộ Tài chính sẽ được áp dụng từ ngày 2/1/2022.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.