Thi viết về GTVT

Cõng từng bao xi măng, đất đá mở đường đèo Lò Xo

04/10/2023, 10:12

Để có được cung đường đèo Lò Xo đẹp như dải lụa vắt ngang trùng sơn Ngọc Linh, ít ai biết được công nhân ở đây phải "cõng" cả vạn khối đất đá, sắt thép và cả nước đi vượt hàng trăm mét lên đỉnh đèo để thi công.

Phá thế đường cụt, rút ngắn 5km đường đèo dốc

Câu chuyện của chúng tôi với ông Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA 2, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh về cung đèo Lò Xo trên đường Hồ Chí Minh diễn ra khi mưa đang ào ạt đổ xuống những cánh rừng Trường Sơn ngút ngàn.

photo-1696256511850

Đường Hồ Chí Minh đoạn đèo Lò Xo ngày nay.

Ông kể, năm 1986, ông được phân công về công tác tại huyện Đăk Glei (Kon Tum - Gia Lai). Lúc ấy, quãng đường rừng từ Ngọc Hồi lên Đăk Glei rất heo hút. Công tác ở Đăk Glei, cứ mỗi lần theo đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) lên tới đỉnh đèo Lò Xo mất cả ngày đường.

Đó là một con đường bằng đá hộc ẩn dưới tán rừng. Con đường quanh năm mây che phủ, còn mùa mưa là sạt lở khủng khiếp. Bên kia ngọn núi là Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam), đường tốt có thể tới Đà Nẵng rất nhanh. Nhưng từ Khâm Đức không thể vượt núi Ngọc Linh về Đăk Glei.

Đứng trên đỉnh đèo Lò Xo, phóng tầm mắt về phía bắc là Đà Nẵng, Quảng Nam rất gần nhưng tới đó phải quay ngược lại. "Quê tôi ở Quãng Ngãi rất gần với Kon Tum, nhưng để đi tới được đó phải quay ngược về TP Kon Tum, lúc đó là thị xã, về Pleiku (Gia Lai) rồi lại bắt xe xuống dọc quốc lộ 19 đến Quy Nhơn rồi thêm một chặng đường nữa mới tới nhà. Rất khổ, rất vất vả.

Lúc đó, không chỉ tôi mà cả triệu đồng bào Tây Nguyên mong Kon Tum sớm thoát thế đường cụt. Rồi một ngày nào đó, cung đường đèo Lò Xo được nối tới Khâm Đức để xe có thể một mạch chạy tới Đà Nẵng. Có như thế, mới làm cho vùng đất Bắc Tây Nguyên cất cánh", ông Sơn hồi tưởng.

Sau khi được tỉnh điều về làm Phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum, ông Sơn có cơ hội được trở thành Phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhà nước về xa lộ Bắc - Nam của Bộ GTVT. Năm 1999, khi thành lập Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, ông được giao nhiệm vụ Phó giám đốc phụ trách đoạn tuyến từ cầu Đakrong (Quảng Trị) tới Kon Tum.

Ông Sơn cho biết, khi dự án bắt đầu được triển khai, Bộ GTVT xác định cung đèo Lò Xo là cung đường rất quan trọng và rất lo ngại về địa hình đồi dốc và đặc thù mùa mưa kéo dài tới 6 tháng.

Lúc đó, đơn vị tư vấn tổng thể là Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - TEDI. Theo phương án thiết kế, 23km đèo Lò Xo đã được "nắn", chỉnh bằng các hệ thống cầu cạn, rút ngắn xuống còn 18km.

"Phương án rút ngắn 5km đường rừng đèo dốc là một kỳ tích. Lúc đó, tướng Đồng Sĩ Nguyên - đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về đường Hồ Chí Minh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) rất ưng ý", ông Sơn kể lại.

Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco6) - đơn vị chủ lực và tinh nhuệ của Bộ GTVT được lựa chọn thi công dự án phức tạp này. "Thế mạnh của đơn vị là vừa thi công được cả cầu và đường, mạnh về tài chính và chịu được "nhiệt" ở những công trình đặc biệt khó khăn này", ông Sơn cho hay.

Cõng hàng vạn tấn vật liệu lên núi

Nhắc về những kỷ niệm, ông Phạm Hồng Sơn không quên nhắc tới những gian khó khi thi công trên đèo Lò Xo.

"Khó bởi điều kiện thi công khi rừng núi thâm u. Mưa rừng tới 6 tháng nên phải tranh thủ những ngày nắng. Khó vì địa chất rất phức tạp nên buộc phải làm đường bê tông cốt thép. Khó vì hậu cần ở vùng rừng núi, dân cư thưa thớt.

Anh em đơn vị thi công chuẩn bị hậu cần nhu yếu phẩm đều rất khó khăn, chạy vạy khắp nơi để kiếm cái ăn. Ngày ấy, đội quân lên đường có khi cả vài trăm người và máy móc. Ăn uống ngủ nghỉ khó đã đành, thi công càng khó thêm vạn lần nữa", ông Sơn nói.

Do đường quá dốc, xe tải, máy móc đi chưa được, nên phải tập kết xi măng, sắt thép ở dưới chân đèo. Rồi tiếp tục điều nhân công vận chuyển từng bao xi măng, từng thanh thép lên đỉnh những ngọn đồi. Những công nhân phải vác từng bao xi măng, vác từng cây sắt, từng can nước rồi di chuyển hàng trăm mét đường núi mới đến điểm tập kết vật liệu. Hàng vạn tấn vật liệu đã được vác trên vai như thế để có một con đường như ngày hôm nay.

Là một trong những người tham gia làm đường đèo Lò Xo, ông A Thẻ (60 tuổi, thôn Đông Lốc, xã Đăk Man) nhớ lại: "Năm ấy tôi còn sung sức lắm. Lũ lượt những người khỏe của làng Đông Lốc đều làm nhân công thi công đường đèo. Lúc thì gùi xi măng, lúc vác nguyên cây sắt dài vượt núi. Còn khi dùng bao nilon gùi nước dưới suối đi bộ hàng trăm mét lên để thi công.

Vì đây là vùng nghèo khó, những căn nhà sàn lụp xụp mọc ở vách núi. Quanh năm nương rẫy sắn mì, lúa nương mà không khá nổi. Do vậy, người dân ai cũng háo hức đăng ký làm công nhân", ông Thẻ nói và cho biết, có lúc ông và đồng nghiệp phải vác bao xi măng đi quãng đường tầm 300m ngược núi. Cho đến bây giờ, không hiểu sao lúc đó ông lại khỏe đến thế!

Cũng trong ký ức của ông Sơn, thời điểm đó, có năm ông phải vào Kon Tum đến hiện trường hơn hai chục lần. Mỗi lần như vậy, ít thì một tuần, dài thì độ hơn hai chục ngày. Lúc ấy, Bộ trưởng Đồng Sĩ Nguyên hầu như tháng nào cũng vào Kon Tum để kiểm tra hiện trường.

"Có lúc, tôi vừa về đến Hà Nội chưa kịp giặt áo quần bẩn sau chục ngày lăn lộn ngoài công trường lại phải khẩn trương lóc cóc ba lô theo chân Bộ trưởng lên đường. Khó khăn vậy đã đành, các anh em phải chịu cảnh vắt rừng, ruồi vàng cắn và đối diện với sốt rét rừng liên miên. Thế nhưng không ai chùn bước", ông Sơn nhớ lại.

Năm 2005, đường Hồ Chí Minh hoàn thành đưa vào sử dụng. Gần 20 năm qua, con đường đèo Lò Xo đã phá thế đường cụt của Kon Tum. Ngày nay, những chuyến hàng ra Bắc vào Nam, những nông sản ở Kon Tum và Tây Nguyên hướng về Đà Nẵng, hướng về phía Bắc rầm rập đêm ngày.

Cho tới tận bây giờ, khi túm tụm lại ngôi nhà rông để kể chuyện với con cháu, những người già ở ngôi làng Đông Lốc vẫn không thể tin nổi rằng có một ngày những ngôi nhà mới dựng lên, những hàng quán mọc đầy quốc lộ. Cũng chính con đường này, ở khúc đèo ngoằn ngoèo phía trên đã được mở rộng thênh thang tạo nên một vận hội mới cho vùng đất Tây Nguyên thêm trù phú.

Cho đến tận bây giờ, trong tâm trí của những người già ở xã Đăk Man nơi chân đèo Lò Xo vẫn không thể tin được con đường rừng năm xưa nay đã là một quốc lộ nườm nượp xe cộ.

Nguồn gốc tên gọi Lò Xo

Cách đây 52 năm, sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường miền Nam gặp nhiều khó khăn, ác liệt. Tại mặt trận Trung Trung Bộ, Mỹ, ngụy dồn lực lượng, phương tiện chiến tranh đánh phá một cách dã man các vùng hậu cứ trọng điểm của ta nhằm chặn đứng sự chi viện cho các đơn vị chủ lực giải phóng quân. Theo các tài liệu của Bộ Tư lệnh Quân khu V, để vượt Trường Sơn chi viện cho khu vực Bắc Tây Nguyên, đơn vị này đã quyết định phải khảo sát, mở ngay tuyến đường rừng để vận chuyển hàng hóa bằng xe đạp thay việc vận chuyển bằng đôi vai. Cung đường này cũng là một mạch máu để nhận tiếp tế lương thực, vũ khí, đạn dược từ huyện Trà My (Quảng Nam) vào.

Lúc này, Bộ Tư lệnh khu V (K5) đã thành lập một tổ chức khảo sát gồm các ông Nguyễn Oanh (quê Vĩnh Phú), Trần Oanh (quê Hà Bắc), Nguyễn San (quê Nam Hà). Cả tổ tiến hành khảo sát cung đường cắt núi Trường Sơn đoạn từ Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) đến khu vực Đăk Pét (Đăk Glei, Kon Tum).

Sau khi phát tuyến được hơn 100km đèo dốc quanh co thì gặp phải địa hình hiểm trở, muốn con đường đi tiếp lên đến đỉnh phải uốn con đèo rất nhiều vòng xoắn theo hình chữ S.

Khi tổng hợp tình hình phát tuyến để báo cáo cấp trên, tổ khảo sát cứ phân vân về tên gọi con đèo. Cuối cùng, tổ trưởng Nguyễn Oanh đề xuất ý kiến đặt tên con đèo là Lò Xo và được cả tổ tán thành vì con đèo dài trên 20km (theo khảo sát lúc đó) phải uốn rất nhiều cua theo kiểu lò xo. Vậy là tên đèo Lò Xo có từ tháng 2/1969.

Lúc đầu, con đèo được ngụy trang để che mắt địch, nhưng đến cuối năm 1969, địch phát hiện rồi tập trung máy bay đánh phá. Chính nơi này đổ không biết bao nhiêu mồ hôi, công sức và máu của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Những năm sau này các đoàn xe, đoàn bộ đội qua đây đều dừng chân thắp hương trước khi lên và xuống đèo để tưởng nhớ những người con trung hiếu đã ngã xuống.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.