Sau nhiều năm hoạt động, đơn vị đã ghi dấu ấn trên những công trình trọng điểm quốc gia và hiện là đối tác chiến lược của nhiều đơn vị mạnh ngành xây dựng trong và ngoài nước.
Dấu ấn trên những công trình trọng điểm
Sau khi cổ phần hóa, bằng sự phấn đấu không ngừng, đến nay Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 (Công ty CP ĐT&XD công trình 3) đã gặt hái được những thành quả trong sản xuất kinh doanh.
Ông Trần Quốc Đoàn, TGĐ Công ty CP ĐT&XD công trình 3 cho biết, tiền thân là Công ty Công trình đường sắt 3, một doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được thành lập từ năm 1976. Trải qua nhiều thăng trầm, đến năm 2004, được sự chấp thuận của Bộ GTVT, công ty đã cổ phần hóa và bắt đầu có hướng đi mới. Sau khi cổ phần hóa, đơn vị mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh thi công cầu đường sắt, đường bộ và các công trình khác. Đây là bước đi quyết định trong quá trình phát triển bền vững của công ty cho đến nay. Chỉ sau 10 năm, doanh số tăng gấp 10 lần, công việc ổn định đảm bảo thu nhập cho cán bộ công nhân viên.
Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay đơn vị đã chứng tỏ năng lực và thương hiệu khi vinh dự tham gia thi công các công trình cầu, đường bộ, đường sắt trọng điểm quốc gia đảm bảo tiến độ chất lượng. Có thể kể ra như: Cầu đường bộ Đồng Nai (nay là cầu Bửu Hòa, TP Biên Hòa), sản xuất lắp ráp nhịp cầu Ghềnh mới, sửa chữa các cầu yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam. Hiện, đang thi công các công trình cầu đường bộ, đường sắt khác như: Cầu Tăng Long (quận 9), cầu Tân Bửu (huyện Bình Chánh, TP HCM), thi công hạng mục hạ tầng Depot Suối Tiên (tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên)…
Nổi bật là công trình cầu đường sắt Bình Lợi mới trên sông Sài Gòn. Quy mô thiết kế chiều dài 101,5m, cao hơn 15m, là nhịp cầu đường sắt có quy mô lớn nhất Việt Nam từ trước đến nay (nhịp cầu Ghềnh dài 75m, cao 13m), tĩnh không thông thuyền 7m. Sau khi công trình hoàn thành sẽ cho phép sà lan trên 300 tấn lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai... giảm áp lực giao thông đường bộ, tạo điểm nhấn cho cửa ngõ TP HCM.
Làm chủ công nghệ, không phụ thuộc nước ngoài
Ông Trần Quốc Đoàn cho biết thêm, một trong những điểm nhấn quan trọng của công ty đó là việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2015 đã có chuyển biến rõ nét về tư duy trình độ và phương pháp quản lý. Từ năm 2015, công ty quyết định đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ để sản xuất các phụ kiện, vật tư, thiết bị phục vụ ngành đường sắt. Cụ thể như từ năm 2015, công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng tại Khu công nghiệp Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) với công nghệ hiện đại gồm 3 dây chuyền. Dây chuyền sản xuất cầu thép và kết cấu thép, dây chuyền đúc tà vẹt bê tông, tà vẹt ghi.
Đáng chú ý nhất là dây chuyền đúc kim loại để sản xuất tâm ghi, lưỡi ghi các phụ kiện cho ngành Đường sắt nói riêng và các ngành khác nói chung. Đây là lĩnh vực khoa học công nghệ mới, đơn vị đang phối hợp với các giáo sư, tiến sĩ trường ĐH GTVT, Đại học Bách khoa TP HCM nghiên cứu chế tạo làm ghi cho ngành Đường sắt. Hiện, công trình đã hoàn thiện đề tài và được Bộ GTVT phê duyệt cho phép chạy thử. Dự kiến, đến tháng 4/2019, công ty sẽ cho lắp thử nghiệm thực tế trên đường sắt chạy thử, sau đó Bộ sẽ nghiệm thu sẽ đưa vào sản xuất đồng loạt. Đây là đề tài khoa học công nghệ có nhiều ưu điểm sau khi đưa vào sử dụng sẽ giảm giá thành sản phẩm và điều quan trọng chúng ta sẽ làm chủ công nghệ đúc các thiết bị, phụ kiện phục vụ ngành Đường sắt không phụ thuộc vào nhập khẩu vì những sản phẩm phụ kiện đã sản xuất được trong nước.
“Quốc hội đã phê duyệt nguồn vốn gói 7.000 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống đường sắt. Với nhà xưởng công nghệ hiện đại tiệm cận với công nghệ các nước Nhật Bản, G7 với tiềm lực thế mạnh riêng, đội ngũ kỹ sư kinh nghiệm nên chúng tôi hoàn toàn sẵn sàng và đáp ứng được các công trình cầu đường bộ, đường sắt sắp được triển khai trong thời gian tới”, ông Đoàn khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận