Xã hội

Covid-19 TP.HCM 14/7: Thêm 2.229 ca hôm nay, TP.HCM đã có 18.802 bệnh nhân

14/07/2021, 19:40

Tin tức dịch Covid-19 ngày 14/7 tại TP.HCM: TP.HCM vẫn tăng nóng số ca mắc mới trong ngày, hôm nay thành phố ghi tổng cộng 2.229 ca bệnh mới.

Theo bản tin 18h ngày 14/7, Việt Nam ghi nhận thêm 823 ca bệnh tại TP.HCM (592), Bình Dương (73), Đồng Tháp (42), Đồng Nai (38), Đà Nẵng (15), Sóc Trăng (12), Bình Thuận (9), Kiên Giang (9), Cần Thơ (8 ), Phú Yên (6), Hà Nội (4), Quảng Ngãi (4), Nghệ An (3), Trà Vinh (2), Hà Tĩnh (1), Cà Mau (1), Bắc Giang (1), Bắc Ninh (1), Lạng Sơn (1), Bình Phước (1).

img

TP.HCM tăng nóng số ca mắc Covid-19 mới trong ngày. Nhiều tỉnh, thành khác cũng ghi nhận thêm bệnh nhân.

Trong số 592 ca bệnh mới ghi nhận tại TP.HCM có 545 ca là các trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa; 47 người còn lại đang được điều tra dịch tễ.

Áp lực điều trị đang là vấn đề nan giải tại TP.HCM - ổ dịch Covid-19 lớn nhất cả nước. Do đó, theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, thời gian qua thành phố xuất hiện tình trạng F0 chậm di chuyển đi điều trị.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM ban hành hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà. Thành phố sẽ thí điểm cách ly, điều trị F0 với 2 nhóm. Đó là F0 không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện và kết quả xét nghiệm ngày thứ 10 âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp). Hai là nhân viên y tế mắc Covid-19 và không triệu chứng, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

"Tuyệt đối không để bà con TP.HCM thiếu đói"

img

Các kệ rau tại siêu thị Vinmart (TP Thủ Đức) bị vét sạch chỉ trong vài giờ sau khi có tin đồn đóng cửa thành phố. Ảnh: Zing.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có chỉ đạo như vậy trong buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống dịch tại huyện Hóc Môn.

Ông Dương Hồng Thắng - Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, địa bàn huyện đã có hơn 1.500 trường hợp mắc COVID-19. Giai đoạn từ ngày 5/7 đến ngày 11/7, huyện Hóc Môn phát hiện gần 500 ca thông qua hình thức test nhanh (40% trong khu phong tỏa, 60% trong cộng đồng), qua đó tách được gần 300 trường hợp F0 trong cộng đồng.

Về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, đến ngày 13/7, các cơ quan đơn vị đã duyệt 5.977/9.036 trường hợp lao động tự do với tổng số tiền hỗ trợ hơn 8,9 tỉ đồng, tỉ lệ 66,2%. Dự kiến đến ngày 15.7 sẽ hoàn tất việc chi hỗ trợ này. Trong đợt chi trả này, các xã sẽ kết hợp chi trả tiền và lấy mẫu test nhanh cho đại diện các hộ dân. Hóc Môn kiến nghị tăng cường 11 điểm bán hàng bình ổn lưu động tại các chợ truyền thống đang bị tạm dừng để tăng nguồn thực phẩm cung cấp cho người dân.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP, do việc các chợ liên tục phải tạm dừng hoạt động dẫn đến tình trạng nguồn hàng hóa thì đủ nhưng kênh phân phối không nhiều, ảnh hưởng rất nhiều đến việc phân phối hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ông Nguyễn Thành Phong giao Sở Công thương tổng hợp các mô hình phân phối để các quận huyện vận dụng làm theo từng điều kiện đặc thù của mỗi địa phương. Đồng thời yêu cầu huyện Hóc Môn phải phát huy vai trò của các tổ COVID cộng đồng, thường xuyên kiểm tra trong khu phong tỏa, không để xảy ra tình trạng lây chéo.

Ông Phong cũng đề nghị các địa phương nhanh chóng chi tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 để họ kịp thời mua lương thực. "Tuyệt đối không để bà con thiếu đói!" - ông Phong nhấn mạnh.

Thêm 3 ca bệnh nền nặng ở TP.HCM tử vong

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến trưa ngày 14/7, thành phố ghi nhận 17.664 trường hợp mắc Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4. Trưa nay, TP.HCM đã ghi nhận thêm 971 trường hợp F0 mới.

img

Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân tại khu công nghiệp có ca nghi nhiễm.

Chiều 14/7, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo 3 ca tử vong số 133-135.

Họ gồm 2 bệnh nhân nữ và một người đàn ông, tuổi từ 67 đến 87.

Ca tử vong 133: BN21842, nữ, 87 tuổi, địa chỉ: Quận 8, TP.HCM. Người này có tiền sử tăng huyết áp, lão suy. Bà xét nghiệm SARS-CoV-2 kết quả dương tính vào ngày 4/7 và được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bệnh nhân tử vong vào 3h30 phút ngày 10/7. Chẩn đoán tử vong: Nhồi máu cơ tim cấp, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân tăng huyết áp, lão suy.

Ca tử vong 134: BN27272, nam, 67 tuổi, địa chỉ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Người này có tiền sử tai biến mạch máu não cũ; viêm khớp mạn tính thường phải điều trị tại cơ sở y tế.

Bệnh nhân sống cùng con trai bị Covid-19. Từ ngày 17/6 đến 27/6, ông bị sốt cao, ho đờm, khó thở tăng dần, được cách ly điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh và được xét nghiệm SARS-CoV-2 cho kết quả dương tính. Ngày 27/6, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Ông tử vong vào 13h30 ngày 10/7. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng da do Trichosporon asahii, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2, suy đa cơ quan trên bệnh nhân tai biến mạch máu não cũ, viêm khớp mạn tính.

Ca tử vong 135: BN16223, nữ, 83 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Người này có tiền sử tăng huyết áp, sa sút trí tuệ tuổi già, tai biến mạch máu não cũ, mở thông dạ dày qua da.

Ngày 28-29/6, bệnh nhân xuất hiện sốt, ho, nhập viện Bệnh viện Bình Thạnh, xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và được chuyển Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Bà tử vong vào 4h30 ngày 12/7.

Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 trên bệnh nhân tăng huyết áp, lão suy, nhồi máu cơ tim cũ.

img

Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Trưa nay, thành phố thêm 971 ca mắc mới

Theo bản tin trưa 14/7 của Bộ Y tế ghi nhận TP.HCM có 971 ca mắc mới, trong đó 888 ca là các trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa; 83 bệnh nhân đang được điều tra dịch tễ.

Đến nay, Việt Nam có tổng cộng 34.656 ca ghi nhận trong nước và 1.949 bệnh nhân nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 33.086, trong đó, 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Được sự chấp thuận của Bộ Y tế, Sở Y tế TP. HCM đã ban hành hướng dẫn cụ thể về cách ly F0, F1 tại nhà với 1 số thay đổi cho phù hợp với thực tiễn, có 2 nhóm F0 sẽ thực hiện cách ly tại nhà ở TP. HCM, gồm các F0 không triệu chứng và các nhân viên y tế nhiễm Covid-19.

Cụ thể, với F0 không triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện, nếu xét nghiệm PCR vào ngày 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính với SARS-CoV-2 nhưng tải lượng vi rút thấp (CT value 30) không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà với điều kiện bảo đảm an toàn, phòng chống lây nhiễm. Tiếp tục xét nghiệm PCR tại nhà vào ngày thứ 14 và 21.

Với nhân viên y tế bị lây nhiễm Covid-19 được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1, tự theo dõi về tình trạng sức khỏe, báo cáo với cơ quan theo dõi y tế hàng ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định.

Các trường hợp F0 này phải được giám sát, theo dõi sức khỏe hàng ngày của cơ quan y tế địa phương, tuân thủ các biện pháp an toàn trong phòng, chống lây nhiễm.

img

Hiện TP.HCM có 70 ổ dịch Covid-19, trong đó 26 điểm diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đang hết sức nỗ lực khoanh vùng, dập dịch.

TP.HCM bác tin đóng cửa toàn thành phố

Trưa 14/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết hiện mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc: TP.HCM sẽ thực hiện đóng cửa toàn thành phố (lockdown), dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi người dân tụ tập mua sắm, tích trữ hàng hóa; lãnh đạo thành phố bị nhiễm SARS-CoV-2...

Ban Tuyên giáo Thành ủy khẳng định những thông tin trên đều là thông tin sai sự thật, xuyên tạc.

Lãnh đạo thành phố đang tập trung triển khai các biện pháp quyết liệt để kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19. Đồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Ban Tuyên giáo Thành ủy đề nghị người dân bình tĩnh, không nghe theo, không lan truyền các thông tin không chính xác. Người dân thành phố nên cập nhật thông tin từ báo chí. Các cơ quan chức năng của thành phố sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp có hành vi lan truyền thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội.

Từ phía UBND TP.HCM, Phó chủ tịch Dương Anh Đức cũng khẳng định thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc TP sẽ có văn bản cấm người dân ra đường từ 0h ngày 15/7 là bịa đặt, sai sự thật.

img

TP.HCM vắng vẻ trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Phương Lâm.

TP.HCM sẽ triển khai đội cấp cứu đến tại nhà

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng, ngành Y tế TP đang tập trung công tác khám, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 bởi số lượng bệnh nhân COVID-19 tăng cao mỗi ngày. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, khám và điều trị cho các bệnh khác cũng vẫn được quan tâm.

Tại TPHCM có 40 - 60% bệnh nhân ngoại tỉnh đến TP điều trị nội trú và ngoại trú, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã làm giảm số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong điều kiện diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngành Y tế triển khai các tổ, đội cấp cứu đến tại nhà để đảm bảo dịch vụ y tế kịp thời cho người dân.

img

Sáng nay, TPHCM thêm 666 bệnh nhân mới

Trong số 666 ca mắc mới vừa ghi nhận sáng nay tại TP.HCM có 458 ca là các trường hợp trong khu cách ly, phong tỏa; 208 trường hợp đang được điều tra dịch tễ.

Ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh ban hành quyết định chính thức triển khai cách ly tại nhà với trường hợp F0, F1. Trong đó, Sở Y tế quy định hai nhóm thuộc diện cách ly tại nhà.

Thứ nhất là trường hợp không có triệu chứng đang điều trị tại bệnh viện. Trường hợp xét nghiệm rRT-PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính hoặc còn dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà. Thứ hai là F0 không triệu chứng, trường hợp này được thí điểm áp dụng với nhân viên y tế bị lây nhiễm, được cách ly tại nhà khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Đây là biện pháp chưa từng có tại Việt Nam, nhằm giảm áp lực cho ngành y tế và hệ thống điều trị của TP.HCM khi số ca mắc Covid-19 mỗi ngày luôn ở mức hàng nghìn người.

Theo Sở Y tế TP.HCM, y tế địa phương phải tổ chức đội theo dõi hàng ngày đối với F0 được cách ly tại nhà, tổ chức đường dây nóng tiếp nhận thông tin khi F0 tại nhà xuất hiện triệu chứng và khẩn trương đưa vào bệnh viện điều trị. Còn F1 cách ly tại nhà được theo dõi tại nhà và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo quy định như cách ly tập trung.

img

TP.HCM bắt đầu thí điểm cách ly F0 tại nhà. Ảnh: Duy Tính

Tạm dừng hoạt động Công ty Pouyuen 60.000 công nhân

Từ 0h ngày 14/7 đến 24/7, Công ty Pouyuen Việt Nam, quận Bình Tân ngừng sản xuất bảo đảm phòng tránh lây lan Covid-19 cho gần 60.000 công nhân. Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch công đoàn công ty cho biết, quyết định tạm dừng hoạt động được đưa ra sau khi lãnh đạo nhà máy làm việc với chính quyền quận Bình Tân sáng qua.

Theo đó, quận Bình Tân đề nghị Pouyuen chỉ được sản xuất khi bố trí toàn bộ công nhân ở lại nhà máy, cứ 3 ngày tất cả lao động phải được xét nghiệm nCoV. Công ty không thể đáp ứng những yêu cầu này.

Ông Nghiệp cho hay, việc này nhà máy không thể bố trí tất cả lao động ăn ở tại nhà máy bởi số lượng quá lớn, trong khi diện tích nhà xưởng đều lắp máy móc. Công ty đã tính phương án giảm sản xuất, từ đó giảm số lao động trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Tuy nhiên, nếu duy trì sản xuất mức tối thiểu 30%, số người ở lại nhà máy đã hơn 16.000 người. Công ty khó đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt lượng người lớn như vậy trong 10 ngày.

Như Báo Giao thông đã đưa tin, trước đó, hơn 33.000 công nhân Pouyuen đã tạm nghỉ việc do liên quan Covid-19 và các tỉnh lân cận áp dụng Chỉ thị 16 hạn chế đi lại trên địa bàn. Hiện, công ty có khoảng 14.000 công nhân sinh sống ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre... hàng ngày đi làm ở TP HCM bằng xe đưa rước.

img

Công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam tập trung chiều 12/7.

Khu vực có nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất tại TP.HCM

Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến sáng 14/7, thành phố có tổng cộng 309 xã, phường đã ghi nhận F0. Khu vực có nhiều ca mắc Covid-19 nhất là quận Bình Tân (2.141 ca). Ngoài ra, huyện Bình Chánh cũng phát hiện 2.005 ca mắc Covid-19.

Các địa phương có trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 gồm: TP Thủ Đức (1.648), quận 8 (1.601), Hóc Môn (1.128). Nơi có số F0 thấp nhất toàn TP.HCM là Cần Giờ (35 ca).

Theo thống kê của Sở Y tế, tính đến ngày 13/7, thành phố có 16.027 trường hợp mắc Covid-19 trong đợt bùng phát thứ 4. Trong vòng 24 giờ (từ 6h ngày 12/7 đến 6h ngày 13/7), thành phố ghi nhận thêm 1.602 F0.

Hiện tại, TP.HCM có 70 ổ dịch Covid-19. Trong đó, 26 điểm đang diễn biến, gồm 6 ổ dịch chợ, 12 điểm khu dân cư, 8 nơi là khu công nghiệp, công ty. Ngoài ra, 44 ổ dịch khác đã ổn định.

Trong đó, 579 trường hợp trong khu phong tỏa, 778 trường hợp trong khu cách ly, 8 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp, 3 ca được phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng, 138 ca được phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, và 96 trường hợp đang điều tra bổ sung.

Từ ngày 27/4 đến trưa 13/7, trong số các ca nhiễm tại thành phố, 224 người có triệu chứng nặng, 92 ca tử vong. Trong đó, Bộ Y tế đã công bố 25 người.

Tổng số bệnh nhân đang điều trị là 15.647 người (chiếm tỷ lệ 95,72%). 674 bệnh nhân đã được xuất viện (tương đương 4,12%). Ngoài ra, 25 ca mắc Covid-19 đã tử vong (tỷ lệ 0,16%).

TP.HCM đang là ổ dịch Covid-19 nóng nhất cả nước. Trưa 13/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế, cho biết để hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, cơ quan này sẽ sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể và chi tiết về việc thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà ở TP.HCM.

Phương án cách ly F0 tại nhà trước mắt được triển khai thí điểm tại TP.HCM. Dự kiến, hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế được ban hành vào hôm nay (13/7).

img

Quận Bình Tân liên tiếp ghi nhận số F0 lớn trong nhiều ngày. Tổng số bệnh nhân của khu vực này đã vượt mốc 2.000 ca.

TP Thủ Đức phong tỏa phường hơn 44.000 người

UBND TP Thủ Đức vừa có văn bản thông báo về việc áp dụng phong tỏa, cách ly y tế vùng có dịch Covid-19 đối với phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức bao gồm 7 khu phố, 91 tổ dân phố với diện tích 418,3 ha, dân số 12.595 hộ, 44.595 nhân khẩu. Thời gian phong tỏa bắt đầu từ lúc 12h ngày 14/7 đến khi có thông báo mới.

UBND TP Thủ Đức yêu cầu, trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế, người dân không được đi ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly trừ nhân viên y tế, thực hiện công vụ, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đảm bảo giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cách ly giữa nhà với nhà, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, công ty. Trong trường hợp cá nhân không tuân thủ yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, cách ly y tế thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Trước đó, TP Thủ Đức đã phong tỏa khu phố 4, phường Tăng Nhơn Phú A với hơn 7.000 dân trong 3 ngày từ ngày 11/7 đến 24h ngày 13/7 do có nhiều ca nhiễm Covid-19.

img

TP Thủ Đức phong tỏa phường Tăng Nhơn Phú A với hơn 44.000 dân từ ngày 14/7

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.