Hỏi - Đáp

CSGT có được rút chìa khoá của người vi phạm?

01/02/2022, 07:30

CSGT có được quyền rút chìa khóa xe của người tham gia giao thông không, kể cả khi xác định người đó vi phạm?

Vừa qua, bạn đọc Nguyễn Tú An (quận Hà Đông, TP Hà Nội) gửi câu hỏi đến Báo Giao thông phản ánh, khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn quận Hà Đông (TP. Hà Nội) thì thấy CSGT tuýt còi, yêu cầu dừng xe máy.

Ngay sau khi xe máy dừng lại, CSGT đã thò tay rút chìa khoá xe. "Xin hỏi việc CSGT rút chìa khoá như vậy có đúng không? Trường hợp nào CSGT được quyền rút chìa khoá xe của người vi phạm", bạn Tú An thắc mắc.

img

CSGT Hà Nội dừng kiểm tra người điều khiển vi phạm nồng độ cồn trên tuyến QL32

Liên quan đến việc này, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Pháp luật hiện hành không có quy định về "hình phạt" rút chìa khóa xe.

Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Nghị định 123/2021/NĐ-CP đã quy định về các hình phạt, mức hình phạt mà người vi phạm quy định giao thông đường bộ có thể bị áp dụng (tạm giữ phương tiện, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, tịch thu các thiết bị lắp đặt sai quy định) và các biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, trong đó không có quy định nào về hình phạt, mức hình phạt rút chìa khóa xe.

Các biện pháp ngăn chặn hành vi hành chính được quy định cụ thể tại Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, như: Tạm giữ người; Áp giải người vi phạm; Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Khám người; Khám phương tiện vận tải, đồ vật; Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm... cũng không có quy định nào về việc rút chìa khoá xe.

Tuy nhiên, việc rút chìa khoá cũng được coi là một biện pháp nghiệp vụ để ngăn chặn không để người vi phạm tăng ga bỏ chạy.

"Trên thực tế, nhiều trường hợp, đặc biệt là thanh thiếu niên, khi lực lượng CSGT tiến hành dừng xe, người vi phạm đã cho xe đi chậm lại rồi lại bất ngờ tăng ga bỏ chạy dẫn đến nguy hiểm cho người thực thi công vụ và cả người tham gia giao thông trên đường. Bởi vậy, để kiểm soát tình hình, CSGT có thể tạm giữ chìa khoá của người vi phạm giao thông", luật sư Cường giải thích.

Theo luật sư Cường, việc rút chìa khoá xe không thiệt hại gì đến quyền lợi cũng như tài sản của người tham gia giao thông cả, nên đây được cho là biện pháp nghiệp vụ.

Tuy nhiên, việc giữ chìa khoá xe chỉ là biện pháp nghiệp vụ trong trường hợp muốn dừng phương tiện, không để phương tiện bỏ chạy.

Còn nếu sau khi xe đã dừng, tài xế đã xuống xe, CSGT vẫn giữ chìa khoá xe, thì là không đúng và người vi phạm sẽ tiến hành khởi kiện.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.