Củ khỉ |
Cây nhỏ mọc thành bụi, cao 1-2m, có thể tới 3-4m. Lá kép lông chim lẻ gồm 5-9 lá chét có cuống dài 5-7mm, màu tía. Mặt trên màu xanh xám, mặt dưới xanh nhạt, gân lá lông chim, nổi rõ ở mặt dưới, mép lá có răng cưa giả do túi tiết tinh dầu gợn lên.
Hoa nở vào mùa xuân, mọc thành chùm xim, hoa rất nhỏ. Quả chín già vào tháng 8-9, to bằng hạt ngô. Vỏ quả chứa rất nhiều túi tinh dầu. Lá, vỏ, quả vò rất thơm, mùi dễ chịu.
Cây mọc hoang ở những vùng núi đá vôi như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa. Nó được khai thác nhiều ở Thanh Hóa để làm nguyên liệu cất tinh dầu. Dân gian hay thu hái lá và rễ làm thuốc, mùa thu hái gần như quanh năm.
Rễ và lá củ khỉ vị đắng, hơi cay và mát, được dân gian sử dụng trong những trường hợp cảm mạo, sốt rét, trừ thấp, tiêu thũng, đau khớp. Ngày dùng 8-16g dưới dạng thuốc sắc.
Củ khỉ cũng được dùng làm nguyên liệu cất tinh dầu để chế thuốc xoa trị cảm cúm, đau bụng. Gần đây, nhân dân một số nơi đã cất tinh dầu củ khỉ, phối hợp với một số tinh dầu khác như bạc hà, khuynh diệp để làm thuốc xoa bóp, thuốc uống chữa cảm mạo, đau nhức.
Nguyên Trưởng khoa Dược liệu, ĐH Dược Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận