Nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn
Mấy ngày qua, câu chuyện lãng phí điện gió, mặt trời lại nóng lên khi các đại biểu Quốc hội yêu cầu làm rõ vì sao Việt Nam chưa huy động 4.600 MW điện tái tạo (điện gió, mặt trời) chuyển tiếp lên lưới, lại phải đi nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc.
Hiện, đưa ra giải pháp cho cung ứng điện mùa khô năm nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán, mua thêm 70 MW điện từ Trung Quốc qua đường dây 110kV Thâm Câu - Móng Cái trong các tháng 5,6,7. Trong đợt này, EVN cũng mua thêm 234 MW điện từ các nhà máy thuỷ điện của Lào...
Lý giải về điều này, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, việc nhập khẩu điện là chiến lược dài hạn dựa trên các mối quan hệ chính trị - kinh tế của Việt Nam nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn của quốc gia. Kế hoạch này cũng được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia từng thời kỳ.
Hiện có 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá điện chuyển tiếp
"Việc nhập khẩu điện được tính toán kỹ lưỡng các kịch bản nhằm đảm bảo việc nhập khẩu tỷ trọng nhỏ, đảm bảo tự chủ, an ninh năng lượng quốc gia và phù hợp với các điều kiện quan hệ chính trị - kinh tế - thương mại với các nước trong khu vực", ông Hoà nói.
Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình cho rằng, việc tính toán nhập khẩu điện còn nằm ở vấn đề giá và đường dây truyền tải.
"Hiện đường truyền tải điện Nam - Bắc đã hết công suất, muốn nâng công suất đường truyền tải điện lên thì thời gian tính bằng năm. Trong khi đó, điện mua từ Trung Quốc và Lào lại có sẵn hệ thống truyền tải... giá mua điện lại rẻ hơn giá mua điện bình quân của các nhà máy điện ở Việt Nam", ông nói.
Đang đẩy nhanh công trình lưới điện truyền tải, huy động thêm điện gió, mặt trời
Hiện nay hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Bắc đang trong cao điểm mùa khô, vận hành trong tình trạng khó khăn, do phụ tải hệ thống tăng cao, lưu lượng nước về của các nhà máy thủy điện tiếp tục kém, tình hình nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than có nhiều khó khăn.
Theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, để đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành lưới điện truyền tải, đặc biệt là các công trình truyền tải điện trọng điểm, các công trình lưới điện giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Đồng thời, Bộ cũng đã chỉ đạo EVN khẩn trương đàm phán và huy động các nhà máy điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp nhằm tăng công suất cho hệ thống điện.
"Hiện nay, Bộ Công thương đã thống nhất giá tạm thời của 19 nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, sau khi các dự án điện này đáp ứng đầy đủ quy định sẽ được huy động điện lên lưới điện quốc gia", ông Hoà nhấn mạnh.
Theo Bộ Công thương, tính đến thời điểm ngày 26/5, có 52/85 nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 3.155 MW (chiếm tỷ lệ 67%) đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện đến EVN.
Trong đó, 42 nhà máy với tổng công suất 2.258,9 MW đã đang thỏa thuận giá điện với EVN; 36 nhà máy với tổng công suất 2.063,7 MW đề xuất giá điện tạm bằng 50% khung giá để làm cơ sơ huy động.
Hiện vẫn còn 33 nhà máy điện với tổng công suất 1.581 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán (chiếm tỷ lệ khoảng 33%).
Bên cạnh đó, có nhiều chủ đầu tư vi phạm các các quy định pháp luật về quy hoạch, đất đai, đầu tư xây dựng… nên còn vướng mắc các thủ tục pháp lý, chưa thể đàm phán giá với EVN.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận