Trẻ sơ sinh vàng da cần được đưa ngay đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám, theo dõi - Ảnh: Tạ Tôn |
Chữa vàng da cho trẻ bằng sữa mẹ, phơi nắng (?)
Gần đây, trên một diễn đàn của các bà mẹ bỉm sữa, câu chuyện về “vàng da” ở trẻ sơ sinh lại một lần nữa trở thành trào lưu “anti chữa vàng da” của không ít các bà mẹ. Có bà mẹ “bật mí” chỉ cần cho con bú sữa mẹ là giải quyết triệt để vàng da ở trẻ. Bà mẹ này còn lấy ví dụ từ bản thân, khi sinh ra con chị bị vàng da kéo dài đến 3 tháng tuổi thì hết chỉ bằng cách chăm cho con bú sữa mẹ (?). Có bà mẹ còn cho rằng, con vàng da đưa đến bác sĩ cũng không giải quyết được gì ngoài cho chiếu đèn, thay vì chiếu đèn cho con ra phơi nắng là đủ (?)
"Hiện nay, nếu được phát hiện sớm, vàng da bệnh lý sẽ được chữa lành hoàn toàn bằng phương pháp chiếu đèn hoặc thay máu, xâm lấn ở những trường hợp đến quá muộn”. PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng |
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai cho rằng: “Vàng da sơ sinh được chia ra vàng da sinh lý và vàng da bệnh lý. Vàng da sơ sinh cần phải theo dõi rất sát trẻ trong 7 ngày mới ra đời, và đặc biệt lưu ý đối với trẻ sinh non vì nguy cơ vàng da rất cao. Vàng da sơ sinh được cho là sinh lý khi nó xuất hiện và tự hết trong 7 ngày đầu. Nếu trẻ bị vàng da nhiều và kéo dài hơn 7 ngày cần phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa nhi sớm. Vàng da kéo dài sẽ gây ra nguy hiểm rất lớn cho sức khỏe của trẻ nhỏ”.
Với vàng da sinh lý, trẻ sẽ tự khỏi cho nên không cần phải phơi nắng. Còn khi trẻ bị vàng da bệnh lý, phơi nắng cũng không có tác dụng. Trên thực tế, không ít trường hợp phụ huynh thấy con vàng da, cứ nghĩ phơi nắng sẽ khỏi nhưng cuối cùng bé trở bệnh nặng phải đưa đi cấp cứu. Kết quả chẩn đoán sau đó cho thấy bé bị vàng da bệnh lý.
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, việc chăm sóc vàng da cho trẻ ở nhiều nước rất được coi trọng. Dẫn chứng cho điều này, ông Dũng cho biết, tại Nhật Bản, trẻ sơ sinh ra đời sẽ được giữ lại bệnh viện 5 ngày để theo dõi có bị vàng da hay không. Còn tại Mỹ, trẻ sau khi sinh 1 ngày sẽ được về nhà nhưng có sự theo dõi rất sát của bác sĩ gia đình. Trẻ sẽ được can thiệp sớm nếu phát hiện bị vàng da kéo dài.
Vàng da bệnh lý để lại di chứng thần kinh
Lý giải về hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, trẻ nhỏ khi còn trong bụng mẹ không thở theo cách thông thường mà nhận oxy từ hồng cầu của mẹ.
“Khi chào đời, trẻ phải tự thở bằng cơ quan hô hấp của chính mình và quá trình phân hủy hồng cầu của trẻ sẽ diễn ra ngay sau khi sinh. Quá trình phân hủy sẽ tạo ra thừa sắc tố bilirubin trong máu dẫn đến trẻ có hiện tượng vàng da. Vàng da sinh lý ở trẻ sẽ tự hết sau 7 ngày, khi gan bài tiết bilirubin nhằm cân bằng thành phần trong máu”, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng nói.
Vàng da bệnh lý có thể do bất đồng nhóm máu mẹ và con, nhiễm trùng, bệnh lý di truyền… Những tình trạng này làm bilirubin tăng quá cao trong máu, ngấm vào mô não, gây tổn thương không hồi phục. Bệnh nhi có thể tử vong hoặc sống với những di chứng như điếc, rối loạn vận động, rối loạn trương lực cơ nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Để phát hiện trẻ vàng da, phụ huynh cần đưa bé ra nơi có ánh sáng trắng đủ sáng, tốt nhất là ánh sáng mặt trời, trong bóng mát, ấn lướt tay trên da mặt của bé, nếu thấy da có màu vàng thì nên đưa bé đi khám ngay. Trẻ sơ sinh vàng da cần được đưa ngay đến bác sĩ chuyên khoa nhi để khám theo dõi, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời vàng da nặng, dự phòng biến chứng nhiễm độc thần kinh do bilirubin gián tiếp thấm vào não.
Sai lầm thường thấy là do da trẻ đỏ hồng sậm hoặc phụ huynh đặt con trong buồng tối nên không nhận biết trẻ bị vàng da. Ngoài ra, thấy con bị vàng da lại nghĩ vàng da thông thường nên đưa bé ra phơi nắng, đến khi bé bỏ bú, đờ đẫn mới đưa đi bệnh viện thì đã muộn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận