Đường thủy

Cục Đường thủy “bắt tay” hiệp hội "thúc" vận tải thủy an toàn, bền vững

21/07/2022, 10:31

Cục Đường thủy hợp tác với các hiệp hội gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy vận tải thủy nội địa an toàn, bền vững.

Gỡ khó về chính sách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết vừa tiến hành đánh giá sơ bộ công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa.

Trong đó, công tác phối hợp giữa Cục Đường thủy nội địa VN và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy nội địa hơn (ĐTNĐ) đã đạt được kết quả tích cực. Như tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp; Tăng cường đối thoại, gặp mặt lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hướng đến phục vụ cho lợi ích chung của ngành ĐTNĐ Việt Nam, lợi ích của người sử dụng dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics vận tải đường thủy.

img

Cục Đường thủy nội địa VN và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp tăng cường hợp tác, gỡ khó cho doanh nghiệp, thúc đẩy vận tải thủy nội địa. Ảnh: ICD Tân Cảng tại Quế Võ (Bắc Ninh)

Đặc biệt, đã phối hợp giải quyết bất cập về việc áp dụng mức thu phí hàng hải quốc tế đối với phương tiện thủy thuộc đối tượng điều chỉnh của Hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy. Kết quả cụ thể, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 74/2021/TT-BTC, theo đó phương tiện thủy vận tải trên tuyến đường thủy Hiệp định sẽ được áp dụng mức phí ĐTNĐ thay vì mức phí hàng hải quốc tế.

Bên cạnh đó phối hợp kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.

Vì vậy, đầu tháng 7, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết, theo đó miễn thu phí đối với hàng hóa được vận chuyển ra vào cảng bằng ĐTNĐ theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy; Giảm 50% mức phí với hàng hóa được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng ĐTNĐ; Điều chỉnh cùng một mức thu đối hàng hóa xuất nhập khẩu mở tờ khai tại thành phố hay ngoài TP.HCM.

“Những kết quả này cho thấy công tác phối hợp giữa Cục Đường thủy nội địa VN và các hội, hiệp hội doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua đã giải quyết được nhiều bất cập trọng thực tiễn hoạt động SXKD của các doanh nghiệp vận tải đường thủy, góp phần phát huy vai trò, lợi thế, tiềm năng tự nhiên của phương thức vận tải thủy nội địa, giảm chi phí logistics”, đại diện Cục Đường thủy nội địa VN nhấn mạnh.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp, hợp tác các bên, cũng như sự chủ động của Cục Đường thủy nội địa VN trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động vận tải ĐTNĐ. Bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo điệu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển, góp một phần quan trọng trong việc giảm chi phí logistics, giảm giá thành hàng hóa.

Thúc đẩy vận tải đường thủy theo hướng an toàn, bền vững

Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, vừa qua Cục cũng đã tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 2249/QĐ-BGTVT ngày 4/12/2020 của Bộ GTVT ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chị thị số 37 của Thủ tướng Chính phủ.

img

Cục Đường thủy nội địa VN và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam ký Bản ghi nhớ hợp tác vào trung tuần tháng 7/2022, nhằm phát triển dịch vụ logistics liên quan đến vận tải thủy nội địa trên cả nước, vận tải thủy giữa Việt Nam - Campuchia...

Hội nghị nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Cục Đường thủy nội địa VN và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan trong thời gian tới; Tăng cường sự gắn kết giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành ĐTNĐ và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về ĐTNĐ.

Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Bùi Thiên Thu nhấn mạnh, việc hợp tác không chỉ là vì lợi ích của doanh nghiệp mà chính là hướng đến phục vụ cho lợi ích chung của ngành ĐTNĐ, lợi ích của người sử dụng dịch vụ vận tải, dịch vụ logistics vận tải đường thủy.

Vì vậy, ông Thu cho rằng, thời gian tới các bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả. Cụ thể, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Cục chủ trì soạn thảo, tham mưu phải được gửi xin ý kiến phản biện tới các hội, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan; Tăng cường thông tin hai chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hội, hiệp hội, doanh nghiệp. Nghiên cứu thành lập Chi hội người điều khiển phương tiện, thuyền viên thuộc Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam...

“Tiếp tục chủ động, đồng hành tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động vận tải đường thủy nội địa. Trước mắt tập trung việc làm việc với thành phố Hải Phòng để sửa đổi, bổ sung quy định về việc thu phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hải Phòng đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa.”, ông Thu nói.

Ông Thu cũng đề nghị các hội, hiệp hội tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp hội viên tăng cường sử dụng phương thức vận tải hàng hóa bằng ĐTNĐ để thúc đẩy việc chuyển đổi phương thức vận tải theo hướng hiệu quả, bền vững, an toàn và thân thiện môi trường.

Cùng đó quan tâm đóng góp chính sách về ưu tiên đầu tư hạ tầng ĐTNĐ, ưu đãi về thuế, phí, lệ phí để vận tải ĐTNĐ ngày càng phát huy vai trò, lợi thế, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.