Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đánh golf tại khu nghỉ dưỡng. |
Lời khẳng định ủng hộ 100% đối với đồng minh Nhật Bản của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau sự việc Triều Tiên phóng tên lửa là một trong những tín hiệu cho thấy hai lãnh đạo Mỹ-Nhật sẵn sàng củng cố quan hệ đồng minh chiến lược. Kết quả tích cực này có được một phần nhờ vào chiến lược ngoại giao sân golf.
Ủng hộ 100%
Sáng 12/2, theo giờ VN, đúng thời điểm Thủ tướng Nhật chuẩn bị ra tuyên bố chung với Tổng thống Donald Trump tại Florida, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ căn cứ không quân Banghyon, tỉnh Pyongan, nằm ở khu vực phía Tây bán đảo Triều Tiên. Mặc dù đến chiều, các quan chức quân sự Mỹ, Hàn Quốc vẫn chưa xác minh được chính xác loại tên lửa Triều Tiên dùng để phóng nhưng nhiều quan chức nghi ngờ, đó có thể là tên lửa Musudan tầm trung, tầm xa khoảng 550km, không phải tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga xác nhận, tên lửa này không rơi xuống vùng lãnh hải của Nhật và khẳng định sẽ có “phản đối mạnh mẽ” tới Triều Tiên thông qua kênh ngoại giao Trung Quốc.
Ngay sau động thái này, trong cuộc họp chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ông Trump khẳng định: “Mỹ luôn ủng hộ đồng minh tuyệt vời Nhật 100%”; Đảm bảo cam kết “tăng cường liên minh giữa hai nước”.
Lời cam kết đồng minh chắc nịch và sự ủng hộ của Tổng thống Trump là tín hiệu mới, tiếp nối những động thái và cử chỉ thân tình giữa hai lãnh đạo trong suốt chuyến thăm 2 ngày của Thủ tướng Nhật tới Washington. Trước đó, các nhà sản xuất ô tô của Nhật cũng thở phào nhẹ nhõm khi ông Trump không chỉ trích trực tiếp các hãng này vì đặt nhà sản xuất ở nước ngoài nhưng bán sản phẩm tại Mỹ. Tất cả cho thấy, chính quyền ông Trump có vẻ mềm mỏng hơn trong chính sách ngoại giao với Nhật so với những đề xuất yêu cầu Nhật phải chi trả công bằng để làm đồng minh, hay đăng tải Twitter chỉ trích thẳng Toyota…
Chiến lược ngoại giao sân golf
Nhiều nhà phân tích cho rằng, sự chuyển hướng này một phần nhờ vào chiến lược “ngoại giao sân golf” hai bên sử dụng trong chuyến thăm của ông Abe tới Washington. Nhậm chức hơn 20 ngày, các buổi tiếp đón và ngoại giao với nguyên thủ của ông Trump đều diễn ra trong không khí ngượng ngùng và ngắn ngủi: Ông thiết đãi Thủ tướng Anh Theresa May một buổi tiệc trưa và có cuộc họp báo khá lúng túng; Có cuộc gặp ngắn ngủi với Thủ tướng Canada; Chỉ trích cuộc điện đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull “tồi tệ nhất”… Trong khi đó, với Thủ tướng Nhật, hai lãnh đạo chơi một trận golf kéo dài 4 giờ với tay golf chuyên nghiệp Ernie Els đến từ Nam Phi, cùng dùng bữa đến 4 lần. Hơn nữa, Tổng thống Trump còn mời Thủ tướng Nhật và phu nhân dùng chuyên cơ Không lực một tới khu nghỉ dưỡng Mar a Lago, bang Florida - lời mời hiếm có với lãnh đạo nước ngoài.
Tờ Financial Times dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết, để tổ chức cuộc gặp lần này, ông Abe đã dạm trước từ tháng 11/2016 khi gặp ông Trump, lúc đó đang là Tổng thống đắc cử và nói chuyện với con gái Ivanka của ông Trump. Ông Abe cũng tặng ông Trump cây gậy đánh golf hơn 3.700 USD và nói về việc các lãnh đạo Mỹ, Nhật từng chơi golf cùng nhau như Tổng thống Dwight Eisenhower và ông nội của Thủ tướng Abe - Nobusuke Kishi.
Về phần mình, “ngoại giao sân golf” cũng là phương thức phía Mỹ ủng hộ bởi Tổng thống Trump từng nhận định một trận golf sẽ giúp bạn dễ dàng hiểu ai đó hơn một bữa trưa.
Ngoài chiến lược ngoại giao sân golf, ông Abe cũng mang đến nhiều cam kết đầu tư từ các công ty Nhật như: Tạo 700.000 việc làm, đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà máy tại Mỹ… để củng cố quan hệ với nước này.
Bà Aurelia George Mulgan, một chuyên gia Nhật tại Đại học New South Wales, Sydney, Austraia cho biết, ông Abe muốn xây dựng mối quan hệ cá nhân thân mật với tân Tổng thống Mỹ, qua đó hy vọng ông Trump kiềm chế hơn khi nhận định về chính sách và động thái của Nhật. Theo bà, “chiến lược ngoại giao sân golf là yếu tố quan trọng để xây dựng quan hệ đó… Cách tiếp cận này tạo cơ hội rất hợp lý để thành công”.
Song, không ít người thuộc phe đối lập như ông Yukihisa Fujita, quan chức ngoại giao đảng đối lập, thành viên đảng Dân chủ cho rằng: “Ông Abe càng thể hiện sự vội vã thì ông Trump càng nhận ra điểm yếu”. “Việc Thủ tướng Nhật vội vàng gặp Tổng thống Trump khiến người ta có cảm giác Nhật bị lệ thuộc và làm giảm sự tôn trọng đáng nhận được từ các nước khác”, tờ Financial Times dẫn lời ông Fujita cho biết.
Dù vậy, nhiều quan điểm khác nhận định, chuyến thăm lần này tạo cơ hội để tăng cường quan hệ với ông Trump trong bối cảnh Tokyo tồn tại nhiều mối quan ngại về Trung Quốc. Bà Jennifer Lind, chuyên gia Nhật tại Đại học Dartmouth, New Hampshire cho biết: “Chiến lược an ninh quốc gia của Tokyo phụ thuộc vào nền tảng đồng minh Mỹ-Nhật. Xây dựng quan hệ mạnh mẽ với Mỹ sẽ là vấn đề rất, rất lớn đối với Tokyo… Vì thế, ông Abe không ngại làm tất cả những gì có thể để tạo mối quan hệ tốt”.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận