Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và các đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 |
Ngày 23/1, Phát biểu tham luận của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó trưởng Ban thường trực, Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 cùng hướng tới góc nhìn nâng cao tầm vóc, vị thế Việt Nam.
Hội nhập phải đi vào chiều sâu
Đánh giá về công tác đối ngoại 5 năm qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, dù đã đạt được kết quả tích cực, song mới ở giai đoạn “gia nhập, tham gia, đàm phán” ký kết các thoả thuận quốc tế, khu vực. Công tác triển khai hội nhập quốc tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa tận dụng được các cơ hội của hội nhập quốc tế. Do đó, thách thức của hội nhập kinh tế sẽ ngày càng tăng lên...
Để hội nhập quốc tế thực sự bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc, Phó Thủ tướng cho rằng, trong 5-10 năm tới, cần phải đi vào chiều sâu, “tức là đan xen, gắn kết lợi ích, một cách lâu dài và bền vững giữa nước ta với các đối tác; tạo dựng được lòng tin và hình thành nên các cơ chế hợp tác có hiệu quả, kiểm soát các bất đồng, nhất là các vấn đề có thể tác động nghiêm trọng tới an ninh và phát triển của nước ta”.
Theo đó, về kinh tế, đưa hội đi vào chiều sâu cũng có nghĩa là phải tận dụng được chính hệ thống quy tắc và luật lệ của các tổ chức quốc tế để bảo vệ được các lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác, là chủ động nghiên cứu, chọn lựa các bộ tiêu chí, xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng và đồng thời tham gia xây dựng các tiêu chí, chuẩn mực chung...
“Nói cách khác, đưa hội nhập đi vào chiều sâu là để tạo dựng các mối quan hệ ổn định, lâu dài hơn với các đối tác, gia tăng tính bền vững của môi trường chính trị, an ninh; đưa đất nước ta lên vị trí cao hơn ở khu vực và trên thế giới”, Phó Thủ tướng nói.
Tăng nội lực bằng thúc đẩy cạnh tranh
Cũng liên quan đến vấn đề hội nhập quốc tế, song Phó Ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Phạm Xuân Đương lại tập trung kiến nghị, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo ông Nghĩa, Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam, xét trong khu vực ASEAN chỉ cao hơn Lào, Myanmar, Campuchia. Có 7/12 lĩnh vực mà Việt Nam thậm chí còn đứng sau một vài nước ASEAN-4 về thứ hạng toàn cầu. Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề được coi là trở ngại lớn nhất đối với Việt Nam, gồm: "Tiếp cận tài chính”, "Chính sách không ổn định”, "Lao động qua đào tạo không đủ”, "Kỷ luật lao động kém” và "Tham nhũng”.
Về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, kết quả khảo sát giai đoạn 2006-2014 cho thấy có sự tiến bộ đáng kể nhưng còn thiếu bền vững. Đáng chú ý, một số lĩnh vực không được cải thiện hoặc có chiều hướng đi xuống, đó là: "chi phí không chính thức”, "tính năng động của chính quyền”, "tiếp cận đất đai” và "cạnh tranh bình đẳng”.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ông Đương cho biết, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị sớm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện tốt Đề án tổng thể về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Trong đó các nhóm giải pháp chủ yếu như:
Tăng cường thể chế và thực thi thể chế tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bao gồm: hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính công, công khai minh bạch và phòng, chống tham nhũng…
Nhóm giải pháp thứ hai, là tăng cường ổn định bền vững kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất lao động và đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp trong mô hình tăng trưởng theo hướng thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo.
Thứ ba, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước và năng lực hội nhập quốc tế.
Thứ tư, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp của Việt Nam, tăng cường khởi sự doanh nghiệp. Tạo lập môi trường pháp lý đảm bảo quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận