Showbiz

“Cung đấu” đẫm nước mắt và thị phi của các hoa hậu

22/01/2020, 11:34

Để đạt được điều này, các nhan sắc đã phải trải qua cuộc “cung đấu” không thiếu máu và nước mắt.

img
Minh Tú giành giải Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á 2018

“Siêu mẫu chỉ là hạng hai, hoa hậu mới là đổi đời”. Câu nói xuất hiện trong trailer bộ phim “Hoa hậu giang hồ” của đạo diễn Lương Mạnh Hải phản ánh chính xác cuộc đua vào showbiz của giới chân dài muốn “một bước lên phi”. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các nhan sắc đã phải trải qua cuộc “cung đấu” không thiếu máu và nước mắt.

Nghìn lẻ một chuyện “mưu hèn kế bẩn”

Từ một cô sinh viên nghèo phải đi làm thêm nhiều công việc khác nhau để có được thu nhập trang trải cuộc sống, chỉ sau một đêm, Đặng Thu Thảo (Hoa hậu Việt Nam 2012) được người người săn đón, được sải bước đến những nơi xa hoa, sang trọng, tiếp xúc với giới thượng lưu… Và rồi, sau đó có cuộc hôn nhân khiến nhiều người mơ ước bên vị doanh nhân thành đạt, trẻ tuổi, có sức ảnh hưởng nhất định trong xã hội.


Lâu nay, BTC các cuộc thi hoa hậu vẫn hay dùng mỹ từ cho chương trình của mình là “sân chơi nhan sắc”. Trên thực tế, thời của “sân chơi nhan sắc” đã trôi qua từ lâu. Đó là khi các cô gái đẹp đủ thông minh để nhận ra rằng, có một danh hiệu hoa hậu trong tay là có cả một tương lai rộng mở. Đến một ngày, các cô gái đẹp ôm giấc mộng showbiz phù hoa nhận ra rằng, không có cách nào để đặt chân vào làng giải trí nhanh chóng, dễ dàng hơn là một danh hiệu hoa hậu. Cũng từ đó, những chiêu trò tinh vi, xảo quyệt của các thí sinh xuất hiện ngày càng nhiều ở cả đấu trường nhan sắc quốc tế hay “ao làng”.

Năm 2015, tác giả Sally-Ann Fawcett, người từng đảm nhận vai trò giám khảo ở cuộc thi Miss Great Britain và Miss International đã phát hành cuốn sách mang tên Misdemeanours: Beauty Queen Scandals (tạm dịch: Những bê bối của nữ hoàng sắc đẹp), bóc trần những câu chuyện hậu trường ở cuộc thi hoa hậu, trong đó có những màn đấu đá, hãm hại nhau.

Tại Miss Universe 2010, Hoa hậu Australia Jesinta Campbell phát hoảng khi bộ trang phục của mình đã bị phá hỏng, thậm chí còn bị cài bẫy ngay trước khi lên sân khấu ở Las Vegas. “Khi đang mặc nó lên người, tôi phát hiện khoảng 6 chiếc ghim bị găm vào phần sau chiếc váy, tôi đã bị xước hết lưng khi khoác nó lên mình. Ôi trời ơi”, Campbell chia sẻ với Đài phát thanh Nova 91.9 (Australia).

Nhưng đâu chỉ thế giới mới có trò bẩn. Người đẹp Chi Nguyễn tại cuộc thi Hoa hậu châu Á Thế giới 2018 cũng bị “đùa ác ý” khi bất ngờ phát hiện quốc phục Khổng Tước nặng 20kg mà cô cất công đem sang Li Băng đã bị cắt nát không thương tiếc. Sự cố này ập đến chỉ ngay vài tiếng trước khi đêm chung kết diễn ra. Đại diện của Việt Nam tại Hoa hậu Siêu quốc gia 2018, Minh Tú khi đặt chân đến Ba Lan liên tục bị người lạ “quấy rối” bằng cách công kích cô trên mạng xã hội, tung ảnh bán khỏa thân từ khi cô mới bước chân vào làng mẫu, đến việc bị tố mua giải. Minh Tú đã phải thừa nhận: “Những thủ đoạn như rạch đầm dạ hội, bẻ gót giày, tố cáo lẫn nhau tôi từng chứng kiến”.

Nhắc đến chuyện bị gây khó dễ ở Hoa hậu Siêu quốc gia 2018, chân dài sinh năm 1991 Minh Tú cho hay: “Lúc đó, tôi rất sốc vì một người chưa bao giờ gặp, không quen biết hay có bất kỳ tranh chấp và mâu thuẫn nào, nhưng họ làm mọi cách để gây ảnh hưởng cho quá trình thi của tôi. Tuy nhiên, tôi không giận hay căm ghét họ, dù những điều họ làm có ảnh hưởng đến phần thi của tôi. BTC cuộc thi có gọi tôi lên để nói chuyện về những bức ảnh bán nude tôi chụp khi làm người mẫu tại nước ngoài. Tôi có tham gia vào một chiến dịch phòng chống ung thư vú và chụp những bức ảnh nghệ thuật như vậy để quyên góp từ thiện. Ở nước ngoài, những việc làm đó không phải quá phản cảm vì những bức hình đó cũng không lộ chỗ nhạy cảm bởi chỉ là bán nude thôi”.

Từng trực tiếp tham gia và đảm nhiệm vai trò ban giám khảo ở nhiều cuộc thi nhan sắc trong và ngoài nước như: Next Top Model, Elite Model Look hay Hoa khôi Áo dài…, siêu mẫu Hà Anh thừa nhận, tại các cuộc thi nhan sắc, sự ghen tỵ đối với thí sinh nặng ký là có, các cô gái ít được chú ý hơn sẽ túm tụm lại chê bai, nói xấu thí sinh đó với nhau. Thậm chí, ở các cuộc thi sắc đẹp Việt Nam còn có màn “tố cáo trước đêm chung kết”.

“Có những lời tố cáo như thí sinh hút thuốc, gia cảnh đầu gấu, bố từng vào tù rồi chưa tốt nghiệp cấp 3, có can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ… Không phải lời tố cáo nào cũng có cơ sở và xứng đáng để đánh giá thấp thí sinh. Còn nếu tôi biết được ai là người đứng đằng sau những lời tố cáo này thì chắc chắn họ sẽ không có cơ hội đối với tôi, bởi tôi không thể chấp nhận được người chiến thắng là những con người thủ đoạn, xấu tính!”, Hà Anh khẳng định.

Tại sao cứ phải có “mác” hoa hậu?

img
Á hậu Thư Dung từng vướng vào đường dây bán dâm nghìn USD

Minh Tú thừa nhận, danh hiệu Hoa hậu Siêu quốc gia châu Á là bàn đạp giúp cô có nhiều cơ hội hơn trong công việc, cũng như được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, người đẹp cho rằng, nhiều cơ hội mới mở ra nhưng đồng nghĩa với việc nặng nề hơn khi phải giữ trọng trách và sứ mệnh của một hoa hậu.

Tuy nhiên, “ma lực” của chiếc vương miện lớn hơn rất nhiều so với những gì chúng ta vẫn nghe, vẫn nhìn thấy. Chúng ta không còn lạ gì với những tin đồn mua giải hoa hậu tại các cuộc thi “ao làng”, hay những nàng hậu vướng phải vòng lao lý vì bê bối bán dâm, tình - tiền.

Còn nhớ, tháng 9/2018, công chúng được một phen chấn động với thông tin Á hậu 2 Miss Eco International 2018 Thư Dung bị vướng vào đường dây bán dâm với giá được cho là “khủng” nhất từ trước đến nay, từ 7.000 - 25.000 USD/lượt. Quán quân của cuộc thi Người mẫu thời trang Việt Nam - Nam Anh từng chia sẻ rằng, từ hồi còn là một người mẫu bình thường, cô đã nhận được mức giá đi “tiếp rượu” là 5.000 USD cho một giờ, lúc ấy cô chỉ bực và từ chối. Nhưng ngay khi giành giải quán quân được một đêm thì nhận được điện thoại của một đại gia mời dự tiệc với giá 15.000 USD cho 3 tiếng đồng hồ tiếp rượu và “dặn dò” thêm là cô cứ an tâm vì đây là buổi tiếp khách kín.

img
Bộ trang phục dân tộc của Chi Nguyễn từng bị phá hỏng trước giờ trình diễn tại Hoa hậu châu Á Thế giới 2018

Bày tỏ quan điểm về thực trạng ngày càng nhiều người đẹp bất chấp nhân phẩm, danh dự để đánh đổi lấy chiếc vương miện như một chiếc “thẻ thông hành” giúp nâng giá trong các cuộc truy hoan, một hoa hậu có tiếng thừa nhận: “Đây là thực trạng phổ biến. Nhiều người cho rằng, thi hoa hậu là hình thức đầu tư. Họ bỏ ra một số tiền lớn để mua giải, đầu tư cho danh hiệu của một cuộc thi “ao làng” nào đó, rồi sau đó lại đem chính cái danh hiệu ảo ấy để đi kiếm tiền bù lại. Thậm chí, Ban tổ chức những cuộc thi “ao làng” còn có cả… bảng giá cho các danh hiệu.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.