Showbiz

Cuộc thi nhan sắc: Thế giới ghẻ lạnh, Việt Nam "phát cuồng"

19/07/2022, 19:56
image

"Dường như trong thập kỷ này, chúng ta có đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy của Châu Á như một cường quốc của các cuộc thi", Sashes&scripts bày tỏ.

Châu Âu, Mỹ Latin thờ ơ với cuộc thi nhan sắc

Miss Universe từng là cuộc thi xưng vương rating khi chạm mốc 7,7 triệu người xem tại Mỹ năm 2014, vượt qua thống kê rating show đình đám "The Simpsons", "Family Guy", "Galavant" trong cùng khung giờ vàng.

Tuy nhiên, đến năm 2021, rating Miss Universe chỉ hút tổng cộng 2,7 triệu người xem trên Fox, khoảng 1/3 rating thời hoàng kim. Con số này giảm 30% so với con số 3,8 triệu người xem mà cuộc thi năm 2019, theo The Wrap.

img

Miss Universe 2021 Harnaaz Sandhu

Trong cùng đêm chiếu chung kết Miss Universe, những chương trình truyền hình bình thường của Mỹ như "60 Minutes" đã hút 11,4 triệu người xem, hay phim truyền hình "NCIS: Los Angeles" cũng có tới 11,2 triệu người xem. Tất cả đều ăn đứt số người xem Hoa hậu Hoàn vũ.

img

Thống kê rating Miss Universe giảm dần qua các năm

Trong khi đó, sự quan tâm của người Tây Ban Nha dành cho những cuộc thi hoa hậu dần giảm đi trong cả gần chục năm qua. Nguyên nhân vì nước này tin rằng, những cuộc thi như Miss World hạ thấp phẩm giá của người phụ nữ.

Có lẽ cũng vì thế mà thời điểm Mireia Lalaguna Royo đăng quang Miss World 2015, chiến thắng của cô gần như không được nhắc ở xứ sở bò tót.

Khi trở về nước nhà Tây Ban Nha sau đăng quang, chỉ có người thân của cô ra nghênh đón. Không có khán giả nào đến sân bay để chào đón người đẹp vừa mang vương miện Miss World đầu tiên về cho Tây Ban Nha.

img

Mireia Lalaguna Royo đăng quang Miss World 2015 nhưng về nước với sự chào đón của vài người thân

Không chỉ các cuộc thi, bản thân hoa hậu sau đăng quang cũng không còn là cái tên nhạt nhòa. Theo thống kê danh sách top 10 nghệ sĩ nổi tiếng của Mỹ do tạp chí Forbes công bố, tính từ năm 1990 đến nay, điển hình không có tên một cô hoa hậu nào.

Hay, Miss Universe 2012 Olivia Culpo - một trong những hoa hậu được truyền thông ưu ái nhiều từ khi đăng quang, nhưng cô vẫn chỉ có 2 triệu người theo dõi trên Instagram - con số quá ít so với những ngôi sao mạng xã hội như Selena Gomez (129 triệu người theo dõi) hay Kylie Jenner (99 triệu người theo dõi).

Theo Youth Inc, sự sáo rỗng, rập khuôn và quy chuẩn phi thực tế về cái đẹp là những yếu tố khiến Hoa hậu "mất giá".

Trong khi đó, người thực sự được hưởng lợi từ những cuộc thi hoa hậu chắc chắn không phải là số đông. Các cuộc thi sắc đẹp hoạt động như công xưởng hái ra tiền cho ban tổ chức.

Khi người châu Á "cuồng" hoa hậu

Thực trạng này trái ngược hoàn toàn ở các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Trang Sashes&scripts phải thốt lên rằng: "Dường như trong thập kỷ này, chúng ta có đang chứng kiến ​​sự trỗi dậy của Châu Á như một cường quốc của các cuộc thi".

img

Catriona Elisa Magnayon Gray (Philippines) đăng quang Miss Universe 2018 và Nguyễn Thúc Thùy Tiên (Việt Nam) hiện là đương kim Miss Grand International

Điều này thể hiện rõ qua các bài viết, bình luận trên fanpage từng cuộc thi hay những diễn đàn (chẳng hạn Missosology). Hầu hết hình ảnh của thí sinh Đông Nam Á luôn có lượt like và tương tác rất cao.

Họ cũng thường dẫn đầu hoặc xếp thứ hạng cao trong các cuộc bình chọn (vote) thuộc khuôn khổ Miss World, Miss Universe hay Miss Grand International.

Trang Philstarlife miêu tả người Philippines có niềm đam mê mãnh liệt với cuộc thi hoa hậu. Thậm chí có thể gọi họ là những người cuồng tín.

"Bất cứ khi nào có một cuộc thi diễn ra, cả đất nước dường như hít thở và sống trong bầu không khí của Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu Trái Đất... Không nghi ngờ gì nữa, đó là một bầu không khí rất náo nhiệt", Philstarlife nhận định.

Nhà thiết kế Noel Crisostomo cho rằng, từ các cuộc thi quy mô trường học, cuộc thi được tổ chức ở các bang hẻo lánh cho đến các sân chơi cấp quốc gia và được phát sóng trực tiếp trên tivi, người dân Philippines dường như không bao giờ cảm thấy mệt mỏi khi theo dõi.

Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở Việt Nam khi tính sơ, từ đầu năm đến tháng 7/2022 có đến 20 cuộc thi nhan sắc được tổ chức.

Trên mạng xã hội, các hội nhóm sắc đẹp phát triển mạnh, bàn luận về thí sinh, đưa ra các dự đoán như Thế giới Hoa hậu, World Press, Venus Beauty Queen... có trên 100.000 thành viên. Mỗi ngày, hàng chục bài viết được chia sẻ, mỗi bài đăng thường hút hàng nghìn lượt "like", bình luận, chia sẻ.

Các sự kiện bên ngoài cũng thu hút lượt lớn khán giả theo dõi, như: Chung kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 thu hút gần 10.000 khán giả. Ông Hoàng Nhật Nam - đạo diễn chung kết Miss World Vietnam vào tháng 8 ở Quy Nhơn cũng cho biết sự kiện dự kiến có khoảng 20.000 người xem trực tiếp.

img

Top 3 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 được nhận xét có ngoại hình, kỹ năng trình diễn, ngoại ngữ tốt

Ngành công nghiệp sắc đẹp ngày càng phát triển giúp các nước châu Á thăng hạng trên đấu trường nhan sắc quốc tế.

Truy nhiên, giữa tình trạng các cuộc thi nhan sắc mọc lên như nấm, ra ngõ gặp hoa hậu, những người tổ chức cuộc thi nhan sắc cho rằng, hãy để thời gian thanh lọc những cuộc thi kém chất lượng, "đội lốt" thi nhan sắc để trục lợi...

Thời gian này đến bao giờ? Chưa ai biết, nhưng có lẽ để cuộc thi nhan sắc trở thành một sân chơi nhân văn, hấp dẫn công chúng có lẽ nên như lời của nhà thơ Dương Xuân Nam - Trưởng ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng giám khảo các cuộc thi hoa hậu Việt Nam từ năm 1988 đến năm 2008 rằng:

"Thi hoa hậu phải là một ngày hội văn hóa để các người đẹp trong cả nước từ biên giới đến hải đảo xa xôi có dịp gặp gỡ, giao lưu, hướng về cái đẹp... Chứ không chỉ cho một số cô gái "ăn trắng, mặc trơn" hết tham gia cuộc thi người đẹp này lại chạy sang cuộc thi người đẹp khác".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.