“2 năm nữa chắc chắn cậu bé sẽ có khuôn mặt “sạch”, đẹp đẽ để đến trường với các bạn”, BS. Phạm Thị Việt Dung nói vậy sau lần 1 phẫu thuật giúp loại bỏ đi các mảng nơ-vi hắc tố da (bớt bẩm sinh) trên khuôn mặt của cậu bé “lấm lem” tên Đà mới 21 tháng tuổi.
Cậu bé “lấm lem” những mảng “mực tàu”
Mặc dù, bớt đen không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng “sự có mặt” của chúng lại gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ, nhất là khi trẻ càng lớn. Tuy nhiên, có một số trường hợp ung thư hắc tố xuất phát trên nền tổn thương của các vết bớt đen bẩm sinh. Những bớt hắc tố lớn, có nhiều bớt nhỏ vệ tinh xung quanh; những bớt vùng lòng bàn tay, bàn chân, vùng bị tì đè nhiều, cũng nguy cơ ác tính hóa nhiều hơn vùng khác. Nếu như thấy xuất hiện tình trạng vết chàm đột nhiên to hơn, biến dạng, sùi, loét, chảy máu hoặc bị đau rát thì đây rất có thể là dấu hiệu của u sắc tố phát triển thành giai đoạn ác tính, cần đi khám ngay.
BS. Phạm Thị Việt Dung
Còn 3 tháng nữa bé Trần Thế Đà (sinh tháng 1/2018, trú tại thôn 3, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) tròn 2 tuổi. Cậu bé Đà mới lững chững những bước đi đầu tiên, bi bô vài từ đơn giản và chưa phân biệt xấu đẹp, nhưng cũng đã cảm nhận về sự khác biệt của mình so với anh chị trong nhà khi khắp cơ thể và toàn bộ phần tay chân cùng một phần gương mặt của mình “lấm lem” những mảng “mực tàu”. “Mỗi lần ngồi chơi cùng các chị trong nhà, con đã u ơ chỉ trỏ lên cánh tay và chân đen sẫm, sần sùi của mình rồi đấy”, anh Trần Văn Thắng (bố bé Đà) chia sẻ.
Ngồi bệt dưới sàn bậc thang chờ đợi ca mổ đầu tiên đến với đứa con bé nhỏ của mình, tay níu chặt vào thanh lan can, anh Thắng khẽ thở dài khi nhắc về Đà. Ngay khi mang thai Đà, đến tháng thứ 6 thai kỳ khi đi siêu âm, bác sĩ sản đã cảnh báo thai nhi có khuyết tật, song không nói rõ khuyết tật thế nào. Nhưng dù giá nào hai vợ chồng anh Thắng vẫn quyết giữ lại cho dù thấp thỏm từng ngày.
Đủ ngày, đủ tháng, cậu bé Đà chào đời, cả hai vợ chồng anh Thắng đều ngỡ ngàng khi đón con từ tay bác sĩ. “Tay, chân… tất cả đủ hết nhưng sao con đen nhẻm như nhúng mực tầu, khuôn mặt thì từng mảng loang lổ như bị vẩy mực vậy. Mừng vì con lành lặn nhưng phần nào sốc vì con khác thường với những đứa con trước”, anh Thắng nhớ lại.
Trước khi có Đà, vợ chồng anh Thắng đã có 3 mụn con, đều gái cả, nên mong muốn có thêm cậu con trai khi cô con gái lớn vào lớp 8. Thương con khác biệt, bao tình yêu thương cả gia đình chắt chiu cả cho bé Đà. Cũng có lúc hai vợ chồng anh Thắng bàn tính dành dụm khi Đà lớn thêm chút nữa sẽ cho đi thăm khám, điều trị. Nhưng rồi việc đồng áng, rảnh lại tranh thủ đi làm thêm làm nếm, anh chị bẵng đi. Ai dè mới tháng 6 vừa rồi, đang mang thai đứa con thứ 5 được 7 tháng, vợ anh Thắng đột ngột ra đi vì cảm. “Vợ mất rồi, giờ chỉ còn 4 bố con nương vào nhau thôi”, giọt nước mắt đọng trên khóe mắt khi anh Thắng nhắc đến người vợ xấu số của mình.
Anh Thắng chia sẻ thêm: “Mất mẹ trong xóm ai cũng yêu thương con cả. Chưa lời đàm tiếu nào đến tai về sự khác biệt của con, nhưng càng nhìn con, em càng lo liệu vài năm nữa khi đủ nhận thức con có mặc cảm về điều đó hay không?”.
May mắn mới đây, một nhóm thiện nguyện tại Quảng Ninh đã biết đến trường hợp bé Đà nên đã kết nối với các bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội để chữa trị.
Hai năm nữa con sẽ có một khuôn mặt “sạch, đẹp”
Sau khi vợ mất, gia đình anh Thắng “chính thức” được cấp sổ chứng nhận hộ nghèo, khoản hỗ trợ hàng tháng cũng giúp mấy bố con đỡ phần nào vất vả. Thương bố, con anh Thắng cứ đứa lớn chăm đứa nhỏ, ngoài giờ đến lớp thì tự giác đỡ đần bố việc nhà.
Trong hành lý gọn gàng 2 cha con anh Thắng về Hà Nội làm phẫu thuật, luôn có 1 cuốn sổ “nợ” được anh giữ gìn cẩn trọng. Trong đó, lưu giữ hết thông tin tất cả những người đã từng giúp bố con anh. Từ bơ gạo, hộp sữa, bao thóc hay tiền ít, tiền nhiều, từ cả những người biết tên hay không kịp biết tên đều được anh cẩn thận ghi lại bằng nét bút nguệch ngoạc, đôi chỗ còn sai chính tả. Nào là “2 bà trung tuổi ở bệnh viện sản nhi Quảng Ninh, 1 bà 500.000, 1 bà 100.000” hay “xe khách Hà Nội không lấy tiền = 100.000”, “xe biển số 27, 50.000”…
Khi được hỏi sao phải ghi chép lại cẩn thận những điều đó, anh Thắng nói: “Không phải để trả nợ đâu, vì em biết mình cả đời này không thể trả được. Nhưng em nghĩ, rồi đến lúc nào đó, thằng Đà lớn lên, nó có thể mặc cảm, trách móc cha mẹ không cho mình được 1 cơ thể bình thường như bao bạn bè khác. Thì cuốn sổ “nợ” ân tình này sẽ là nguồn động lực để con hiểu mọi người đã từng yêu thương, giúp đỡ thế nào mà vượt lên trong cuộc sống”.
Chia sẻ về ca bệnh của bé Đà, TS. BS. Phạm Thị Việt Dung cho biết, bé mắc bệnh nơ-vi hắc tố bẩm sinh, dân gian vẫn gọi là các “bớt bẩm sinh”. Bớt bẩm sinh có nhiều kích thước từ nhỏ đến lớn. Một số trường hợp hiếm có thể bao phủ diện rộng cơ thể. Thế giới ước tính cứ mỗi 10.000 bé sinh ra thì sẽ có một trường hợp bị nơ-vi khổng lồ. Những trường hợp càng lớn thì càng hiếm gặp. Bớt bẩm sinh không phát triển lan ra mà bao phủ vùng da cơ thể tương đương lúc sinh, lớn lên cùng với tốc độ lớn lên của trẻ. Bớt bẩm sinh có thể ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
“Đây cũng là ca bệnh nhỏ nhất được phẫu thuật từ trước đến nay. Chúng tôi hi vọng với việc can thiệp sớm ở thời điểm này, sẽ giúp trẻ có 1 khuôn mặt sáng, đẹp đẽ, không mặc cảm khi trẻ tới tuổi đến trường. Với trường hợp của Đà, riêng phần khuôn mặt sẽ cần 3 lần phẫu thuật mới xử lý hết các bớt đen. Việc điều trị cho trẻ là quá trình dài, cần sự kiên trì do phần da sáng của trẻ có quá ít. Nhưng chắc rằng, khoảng 2 năm nữa con sẽ có khuôn mặt hoàn thiện không bớt đen”, BS. Dung cho biết.
Tuy nhiên, riêng phần cơ thể của bé Đà do có diện tích phần da hắc tố chiếm đến 95%, có màu đen sậm, cả phần lưng, mông đều bị. Do vậy, theo BS. Dung việc xử lý sẽ gặp vô vàn khó khăn. Tiếp sau khuôn mặt, các bác sĩ sẽ cố gắng can thiệp cho Đà thêm vùng lộ cổ tay và bàn tay, còn các phần còn lại có thể không can thiệp. Được biết, chi phí cho ca phẫu thuật cho bé Đà được BV ĐH Y Hà Nội tài trợ miễn phí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận