Thế giới

Cựu Giám đốc FBI được trao quyền giám sát điều tra quan hệ Trump-Nga

19/05/2017, 09:05

Bộ Tư pháp Mỹ bổ nhiệm cựu Giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller làm luật sư đặc biệt...

21

Robert Mueller- luật sư đặc biệt sẽ theo dõi cuộc điều tra nghi vấn kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có liên quan đến Nga

Ông này có nhiệm vụ theo dõi cuộc điều tra nghi vấn thông đồng giữa đội vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump và Nga trong cuộc bầu cử 2016 nhằm lấy lại niềm tin của người dân Mỹ. Vậy, vai trò và quyền hạn của ông Mueller là gì?

Bổ nhiệm để củng cố niềm tin của dân Mỹ

Theo hãng tin Reuters, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Rod Rosenstein là người ký quyết định bổ nhiệm và báo cáo Tổng thống chỉ 30 phút trước khi công bố với dư luận. Theo ông, quyết định được đưa ra sẽ củng cố niềm tin của người dân Mỹ với các kết quả cuộc điều tra cáo buộc quan hệ Nga - Trump. Quốc hội Mỹ đồng ý thông qua đề xuất bổ nhiệm trên nhưng vẫn tiếp tục duy trì các cuộc điều tra riêng về quan hệ Trump - Nga tại Ủy ban Hạ viện và Thượng viện. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định, đây là giải pháp nhanh chóng. Và “kết quả cuộc điều tra kỹ càng sẽ một lần nữa xác nhận điều mà chúng ta vốn biết đó là không hề có thông đồng giữa đội vận động của tôi với bất cứ tổ chức nước ngoài nào”, ông Trump nói. Về ông Mueller, chia sẻ với Hãng CBS News, ông khẳng định: “Tôi nhận trách nhiệm này và sẽ dốc hết khả năng để hoàn thành nhiệm vụ”. 

Quyết định bổ nhiệm ông Mueller được đưa ra trong bối cảnh có nhiều thông tin rò rỉ cho rằng, ông Trump từng ngỏ lời nhờ cựu Giám đốc FBI James Comey dừng vụ điều tra ông Mike Flynn vì cáo buộc liên quan tới Nga. Ngoài ra, dư luận hoài nghi: Lý do khiến ông Trump sa thải ông Comey vào tuần trước cũng liên quan tới cuộc điều tra về Nga.

Sau động thái sa thải, rất nhiều Nghị sĩ Đảng Dân chủ kêu gọi Bộ Tư pháp bổ nhiệm luật sư đặc biệt hoặc công tố viên đặc biệt để giám sát cuộc điều tra quan hệ Trump - Nga vì lo ngại Bộ Tư pháp không thể hoặc không sẵn sàng điều tra một cách đầy đủ về ông Trump cùng các trợ lý của ông (kể cả đã nghỉ việc hoặc đương nhiệm).

22
Cựu Giám đốc FBI Robert Mueller

Ông Mueller quyền hạn đến đâu? 

Xét trên quyền hạn, nhiều người cho rằng, vị trí luật sư đặc biệt không có quyền lực  mạnh và tính độc lập không cao như công tố viên đặc biệt. Theo VOX, cả hai vị trí này đều được bổ nhiệm để xóa bỏ những xung đột lợi ích trong điều tra hình sự liên bang trong trường hợp cấp dưới phải điều tra chính cấp trên của họ. Những người được bổ nhiệm vào hai vị trí này hoạt động hoàn toàn độc lập, thường là các thẩm phán hoặc chưởng lý có uy tín cao. Mặc dù báo chí phương Tây hay sử dụng lẫn lộn giữa hai cụm từ này nhưng thực chất đây là hai vị trí khác nhau với mức độ quyền lực cũng khác nhau.

Theo Vox, vị trí công tố viên đặc biệt được lập ra lần đầu tiên. Năm 1978, trước vụ bê bối Watergate, Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật Đạo đức trong Chính phủ, tạo ra một vị trí được gọi là “công tố viên đặc biệt” có quyền độc lập với phạm vi giám sát và kiểm soát của Tổng thống. Vai trò của người này là điều tra và truy tố nếu phát hiện các quan chức cấp cao vi phạm luật liên bang.

Người này sẽ do một hội đồng gồm ba thẩm phán đặc biệt của Tòa án Phúc thẩm Mỹ chọn lựa và giám sát. Và chỉ có Tổng chưởng lý có quyền yêu cầu hội đồng này bổ nhiệm công tố viên đặc biệt. Quốc hội cũng có thể đề nghị Tổng chưởng lý ra yêu cầu nếu đó là điều được phần lớn Thượng Nghị sĩ hoặc Hạ Nghị sĩ mong muốn.

Nhưng vì quy định tam quyền phân lập của chính trường Mỹ nên Tổng chưởng lý vẫn có thể bác đề nghị từ Quốc hội. Luật này hết hạn vào năm 1999 đồng nghĩa toàn bộ cơ chế để thành lập công tố viên đặc biệt độc lập cũng không còn tồn tại. 

Vì vậy, sau đó, Bộ Tư pháp quyết định thay thế vị trí đó bằng việc tự tạo ra một vị trí tương đương trong nội bộ được gọi là “luật sư đặc biệt”. Người này sẽ do Tổng chưởng lý trực tiếp chỉ định. Mặc dù người đảm nhiệm vị trí này có thể khởi tố những hành vi phạm pháp phát sinh trong quá trình điều tra liên quan nhưng Tổng chưởng lý hoàn toàn có thể sa thải họ bất cứ lúc nào hoặc bác bỏ bất cứ quyết định nào của người này.

Nói cách khác, “luật sư đặc biệt” có quyền độc lập rất hạn chế so với “công tố viên độc lập”. Dù vậy, đây cũng là vị trí khá quyền lực vì được quyền gửi trát yêu cầu ra hầu tòa, yêu cầu người ra làm chứng hoặc giao nộp tài liệu. 

Tham chiếu trong cuộc điều tra cáo buộc Nga - Trump thông đồng, được bổ nhiệm vào vị trí luật sư đặc biệt, ông Mueller có quyền điều tra “bất cứ mối liên hệ hoặc hợp tác nào giữa Chính phủ Nga và các cá nhân liên quan trong chiến dịch vận động của ông Trump” cũng như mọi hành vi phạm tội xảy ra trong quá trình điều tra vụ việc như khai man, cản trở pháp lý, đe dọa nhân chứng. Nếu ông Mueller nắm đủ bằng chứng, ông có thể yêu cầu ban bồi thẩm liên bang truy tố đối với một hoặc nhiều nghi phạm. Nếu ban bồi thẩm chấp thuận, vụ việc sẽ có thể trở thành vụ án hình sự liên bang.

Đáng chú ý, theo quy định, luật sư đặc biệt không được là nhà báo, họ không được phép thông báo kết quả điều tra. Đồng nghĩa, nếu ông Mueller không phát hiện ra bất cứ vi phạm nào từ đội vận động tranh cử của ông Trump hoặc không đủ bằng chứng để kết tội, dư luận sẽ không bao giờ biết ông Mueller đã phát hiện được những gì khi điều tra mối quan hệ giữa ông Trump và Nga. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.