Quyết định hiếm gặp
Sau khi vận động không thành công trong cuộc trưng cầu dân ý đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) năm 2016, ông David Cameron khi đó là Thủ tướng Anh lập tức từ chức và rời khỏi chính trường.
Cho đến nay, di sản của cựu Thủ tướng Cameron đối với Brexit và các quyết định chính trị khác vẫn còn gây tranh cãi sâu sắc.
Việc ông trở lại vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ với tư cách là thành viên không qua bầu chọn từ Hạ viện Anh là điều hiếm gặp và làm dấy lên nhiều quan ngại về trách nhiệm giải trình.
Cuộc cải tổ nội các quy mô lớn của Thủ tướng Rishi Sunak cho thấy ngoài ông Cameron, một số cựu thủ tướng Anh khác cũng quay trở lại chính phủ nhưng với vai trò thấp hơn.
Theo thống kê, chỉ có khoảng chục cựu lãnh đạo Anh đi theo con đường này từ những năm 1700.
Phát biểu trước báo giới ngày 13/11, cựu Thủ tướng Cameron khẳng định: "Tôi biết việc một thủ tướng trở lại theo cách này là không theo lẽ thường, nhưng tôi tin vào dịch vụ công".
"Dù không tham gia chính trường trong 7 năm qua nhưng tôi hy vọng, những kinh nghiệm là Lãnh đạo đảng Bảo thủ trong suốt 7 năm và là Thủ tướng Anh trong 6 năm có thể giúp Thủ tướng đương nhiệm giải quyết những thách thức quan trọng" – ông Cameron nói thêm.
Bên cạnh đó, kể từ khi rời chính trường, ông Cameron luôn kín tiếng, ít chia sẻ với truyền thông. Dù vậy, khoảng hai năm trước, ông vướng vào bê bối vận động các Bộ trưởng cung cấp tài chính cho đế chế dịch vụ tài chính Greensill Capital (hiện đã sụp đổ).
Hiện tại, ở cương vị mới, ông Cameron khẳng định, bê bối Greensill sẽ không ảnh hưởng tới công việc của ông ở Bộ Ngoại giao.
"Tất cả mọi việc đã được giải quyết xong xuôi cùng Ủy ban Ngân sách và các cơ quan khác tại thời điểm đó" – ông Cameron nói.
Tại sao chọn một cựu Thủ tướng làm Bộ trưởng Ngoại giao?
Giải thích về quyết định bổ nhiệm cựu Thủ tướng Cameron vào chức lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng của Thủ tướng Sunak khẳng định ông Cameron là một nhân vật có uy tín trên thế giới và có thể vận dụng những kinh nghiệm dày dặn vào công việc.
Bộ trưởng Giao thông Mark Harper, từng làm việc dưới quyền ông Cameron, là một trong số những quan chức ca ngợi động thái này.
"Trước những thách thức mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc chiến ở Ukraine và những gì đang diễn ra ở Trung Đông, tôi nghĩ việc mời một người thực sự có kinh nghiệm đến làm ngoại trưởng là một quyết định tuyệt vời", ông Harper bày tỏ.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát coi động thái đưa ông Cameron trở lại của Thủ tướng Sunak là một canh bạc mơ hồ.
"Thủ tướng Sunak đang cố gắng tìm kiếm những người khác có thể đại diện cho một mô hình chính phủ êm đềm hơn. Nhưng có lẽ ông Sunak không tìm được đủ người hợp lý trong chính đảng mình. Đối với một số người, ông Cameron được coi là ngoại trưởng có năng lực và thu hút. Nhưng tôi nghĩ quyết định này cho thấy sự bất lực" - ông Toby Helm, biên tập viên chính trị của tờ The Observer, nhận định.
Một số người hoài nghi về trách nhiệm giải trình của ông Cameron vì ông đang đảm nhiệm một công việc hàng đầu trong chính phủ, được bổ nhiệm ở Thượng viện.
Ở vị trí mới, ông Cameron sẽ không phải đối mặt với các cuộc chất vấn thường xuyên tại Hạ viện.
Song, trong tuyên bố mới nhất, ông Lindsay Hoyle, Chủ tịch Hạ viện khẳng định: "Do tình hình quốc tế nghiêm trọng hiện nay, tôi đang xem xét các lựa chọn để đảm bảo các nhà lập pháp có thể chất vấn kỹ lưỡng tân Ngoại trưởng Cameron".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận