Làm báo cùng Giao thông

Đá chỉ bền khi người không phá

08/09/2017, 07:12

Gần một nghìn tuyến đường Hà Nội sẽ lát đá tự nhiên có độ bền 70 năm, tại sao người dân lo ngại?

6

Vỉa hè phố Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội được lát đá tự nhiên - Ảnh: K.Linh

Đúng ra khi thành phố được điểm trang người dân phải vui mừng, nhưng thực tế ngược lại, bởi không mấy ai tin những viên đá đó thọ được 70 năm mà nó có thể chết “bất đắc kỳ tử”. Đá chịu được mưa nắng của tự nhiên nhưng không thể chịu được sự phá hoại của con người.

Có cần những đường phố lát đá thật đẹp, thật sang, thật bền không? Xin thưa, cần, rất cần là đằng khác. Bốn mùa thay lá, nhiều thứ tàn phai qua thời gian thế kỷ, nhưng những con đường, vỉa hè của Vienna, Praha, Saint Peterburg, London, Paris vẫn vẹn nguyên, những viên gạch phiến đá đó chỉ già đi hợp với những con phố rêu phong cổ kính.

Còn ở Hà Nội, lát đá có tuổi thọ 70 năm, trên những con phố chưa biết sẽ bị đào lên bới xuống khi nào, thì liệu nó “sống” được bao nhiêu năm. Người dân Thủ đô đã nhiều lần đau lòng chứng kiến những con phố vừa lát xong vỉa hè, nhưng chẳng bao lâu sau lại bị đào lên. Khi thì anh điện thi công cáp ngầm hoặc di dời cột trụ, lúc thì anh nước thi công đường ống, rồi anh đô thị trồng thêm một hàng cây…

Mỗi lần có đơn vị tham gia thi công, những viên đá còn nguyên bị bới móc vỡ tan, vứt bỏ, quá lãng phí. Một con đường, nhiều con đường gặp tình trạng như vậy, hàng nghìn tỉ đồng tiền đầu tư lát vỉa hè tan theo mây khói, thử hỏi dân không đau sao được.

Lát đá vỉa hè một con đường là một đống tiền, ai cũng biết vậy nhưng cứ xem như “của chùa”. Bên lát cứ lát, bên đào cứ đào, hay nói đúng ra là phá, nhưng ông nào cũng là người của Nhà nước nên chẳng ai kiện ai.

Hay có khi anh phá thì tôi mới có cơ hội lát lại nhiều lần nữa.

Trước những điều trái tai gai mắt đó, dân có quyền hoài nghi về tình trạng tiêu cực ẩn chứa bên dưới những vỉa hè. Vỉa hè được thi công, có “xây” mới có “cất”, chất lượng có đúng với thiết kế hay không, có trời mới biết khi chính những viên đá đó sẽ bị bức tử bởi việc thi công các công trình khác. Người ta có thể đổ lỗi do thi công đường điện, đường cống nên vỉa hè hư hỏng, không phải do chất lượng thi công hay chất lượng nguyên vật liệu.

Khi mọi sự không minh bạch, khi có những công trình thi công ngay trên công trình khác như một sự phi tang, dân có quyền nghi ngờ về chất lượng của nó.

Ngoài những nguy cơ bị đào bới như vừa phân tích trên, còn một lý do chính đáng khác cho thấy chưa cần lát đá đắt tiền và có độ bền năm bảy mươi năm, đó là sự hài hòa về thẩm mỹ giữa vỉa hè, đường phố và không gian kiến trúc. Đường xấu, nhà cửa lôi thôi, siêu mỏng, siêu méo, dị dạng, bẩn thỉu, thì lát đá đắt tiền để làm gì.

Thêm một lý do, những con đường không quản lý được, xe máy phóng lên vỉa hè ào ào, thì không đá nào chịu cho thấu; Nền vỉa hè đào lên lấp xuống qua loa, lún sụt thất thường thì đá tự nhiên dày mấy cũng không đỡ được. Lát đá năm trăm nghìn đến một triệu đồng/m2 cũng không hy vọng tốt hơn hiện tại.

Nhưng nếu cứ khăng khăng cho rằng, còn nhiều thứ ngổn ngang nên chưa xây dựng những vỉa hè thật đẹp thì cũng không đúng.

Cho nên, cách làm hợp lòng dân nhất là chỉ lát đá tự nhiên cho vỉa hè của những con đường hạ tầng đồng bộ, ổn định và hài hòa với thẩm mỹ kiến trúc. Đừng rầm rộ bóc những vỉa hè đang yên ổn, cưỡng bức chúng mặc tấm áo mới đắt tiền - chính là tiền thuế của dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.