Những năm gần đây, máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp (drone) - một trong những thiết bị cơ giới hóa công nghệ cao, đang dần trở nên phổ biến và được ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL nhân rộng.
Hiện nay, thiết bị drone (thiết bị bay không người lái) ngày càng được cải tiến, nhiều tính năng nổi trội được tích hợp như vừa rải phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật và cả thay thế nông dân trong việc gieo sạ.
Ông Lê Thanh Nguyên, một nông dân 62 tuổi, sinh ra và lớn lên ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, hiện đã sử dụng máy bay không người lái XAG để canh tác lúa trên đồng lúa rộng 7ha của mình.
Ông kể, suốt hơn 40 năm qua, kể từ khi 15 tuổi, ông đã làm nông nghiệp theo cách truyền thống. Giờ đây, việc áp dụng công nghệ hiện đại giúp ông đỡ vất vả rất nhiều.
Còn nông dân Nguyễn Văn Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) canh tác 40ha lúa. Đây là vụ thứ 6 ông áp dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trị sâu bệnh hại lúa.
“Hồi trước, tui mần có 3 mẫu ruộng, xịt thuốc bảo vệ thực vật bằng cách truyền thống, tốn nhiều thời gian, công sức lắm. Bây giờ, nhờ có thiết bị bay này nên khỏe re", ông Phương chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, Đồng Tháp là địa phương đầu tiên trong cả nước được lựa chọn thí điểm xây dựng và thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân ở Đồng Tháp đã đặt nhiều niềm tin và kỳ vọng vào các máy móc, công nghệ thiết bị tự động mang lại hiệu quả thiết thực như: thiết bị giám sát sâu rầy, thiết bị tưới tự động khi ứng dụng công nghệ IoT vào thiết bị…
Hay như tại tỉnh Hậu Giang, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, ông Võ Văn Trưng (xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp) đã có thể theo dõi quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn nhà dù đang ở bất cứ đâu.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tính từ năm 2021 đến nay, máy bay phun thuốc trong mô hình của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã phun dịch vụ trên 2.000ha. Không dừng lại ở thuê mướn, người dân tự đầu tư nhân rộng mô hình, nâng tổng số máy bay phun thuốc trên địa bàn hiện có 37 chiếc.
Ông Nguyễn Thanh Vững, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Lập (xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, Hậu Giang), cho biết: “Dùng máy bay không người lái phun thuốc, làm lúa nhẹ công mà hiệu quả lại cao. Rải phân, thu hoạch đều bằng máy hết”.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết: Từ thực tế sản xuất cho thấy, nông dân và doanh nghiệp rất quan tâm và đón nhận công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp.
Sắp tới, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý vùng sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, công nghệ AI khuyến cáo kỹ thuật trực tuyến cho người sản xuất…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận