Sáng 10/11, tại chương trình HĐND với cử tri Đà Nẵng, các vấn đề về ùn tắc giao thông, việc phát triển mạng lưới giao thông công cộng... được các cử tri quan tâm và đề nghị thành phố có giải pháp xử lý.
Xe buýt trợ giá Đà Nẵng hoạt động chưa hiệu quả
Theo cử tri Dương Sỹ Huế (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), những năm qua thành phố đầu tư các tuyến buýt trợ giá nhưng hiệu quả chưa cao, mục tiêu đem lại thói quen sử dụng xe buýt cho người dân chưa đạt được.
Theo ông Huế, các tuyến xe buýt bất hợp lý về lộ trình, kích cỡ phương tiện chưa phù hợp với số lượng khách, hạ tầng giao thông…
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, hệ thống xe buýt của thành phố chưa hiệu quả, qua giám sát thì lộ trình tuyến còn nhiều bất cập điểm dừng chưa hợp lý, cần rà soát lại.
Ông Tiến dẫn chứng, điểm dừng xe buýt tại xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) gần nghĩa địa, xa khu dân cư khiến người dân ngại đến, cần điều chỉnh lại cho phù hợp.
“Cần rà soát lại đối tượng phục vụ, nên chăng đặt mục tiêu phục vụ học sinh, sinh viên trước để tạo thói quen và lộ trình tuyến phải ưu tiên đi qua các trường học”, ông Tiến nói.
Ngoài ra, tại chương trình, nhiều cử tri cũng quan tâm đến tình trạng ùn tắc giao thông khu vực trung tâm thành phố, nhất là vào giờ cao điểm tại các nút giao thông trọng yếu.
Theo ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT TP.Đà Nẵng, trong bối cảnh hạ tầng giao thông khu vực trung tâm thành phố không thể mở rộng để hạn chế ùn tắc bởi sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cá nhân thì giải pháp tốt nhất là phát triển mạng lưới vận tải công cộng.
Ông Trung cho biết, trước khi có dịch, lượng khách đi xe buýt tăng đều qua các năm. Theo đó, lượng khách năm 2017 là 2,5 triệu lượt khách, đến năm 2019 tăng lên hơn 4 triệu lượt.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng tuyến buýt chưa nhiều, chưa mang tính bao phủ; đường trung tâm còn nhỏ, khi buýt đi vào dễ gây tắc đường….
Ông Trung cho biết, có thể nghiên cứu đổi loại xe buýt nhỏ hơn trên một số lộ trình để phù hợp với tốc độ tăng trưởng người dùng. Ngoài ra, đã điều chỉnh lộ trình tổng thể 11 tuyến xe buýt này tiếp tục mở rộng thêm các tuyến đan xen giúp cho người dân đi lại thuận lợi hơn.
"Thành phố đã chỉ đạo tăng cường truyền thông cho người dân, ưu tiên học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, công nhân sử dụng xe buýt, và cũng sẽ có những điều chỉnh lộ trình các tuyến cho phù hợp", ông Trung nói.
Bà Phan Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Ngân sách HĐND TP.Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, toàn thành phố còn 36 điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT, kinh phí xử lý khoảng 2,5 tỷ đồng. Bà Nhung kiến nghị UBND thành phố sớm có phương án xử lý, tập trung ưu tiên nguồn lực xử lý dứt điểm.
Theo ông Bùi Hồng Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở GTVT TP.Đà Nẵng, từ năm 2015 đến nay, thành phố có khoảng 115 vị trí ùn tắc giao thông đã được xử lý. Một số vị trí như nút Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) dự kiến xử lý xong trước Tết Nguyên đán 2023.
Đối với nút giao thông phía Bắc cầu Hòa Xuân, ông Trung cho biết đây là vị trí phức tạp do giao cắt các tuyến đường chính, lưu lượng phương tiện giao thông lớn, quy hoạch thiết kế chỗ này phải ảnh hưởng đến quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Hiện Sở đang báo cáo UBND thành phố để cuối năm nay hoàn thành việc phân luồng tạm thời cũng như giải pháp lâu dài về quy hoạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận