Cơ hội trở thành trung tâm du lịch quốc tế
Sau một năm 2018 đón kỷ lục 38,3 triệu khách quốc tế, ngành du lịch Thái Lan vừa phải thừa nhận một thực tế khó khăn. Trang tin quốc tế ThaiExeminer trích dẫn số liệu cho thấy lượng khách nước ngoài mà các khách sạn và hãng lữ hành phục vụ đều giảm khoảng 20-30%. Ở Phuket, tỷ lệ phòng trống trong tháng 6 ở nhiều khách sạn lên tới 50%. Tại Pattaya, ngành kinh tế chủ lực đã tăng trưởng âm khoảng 30% trong tháng 6.
Trong nhiều nguyên nhân được nhắc đến, các nhà quản lý Thái Lan đề cập khá nhiều đến sự cạnh tranh của các thị trường “đối thủ”, trong đó có Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… Đà Nẵng có lẽ là một trong những cái tên khả dĩ nhất của Việt Nam có thể sớm cạnh tranh với những Phuket, Pattaya (Thái Lan) hay Bali (Indonesia)… 8 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Sở Du lịch thành phố, vẫn có 2,5 triệu khách nước ngoài đến Đà Nẵng, chiếm gần 40% tổng lượng khách tham quan.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho rằng sau hơn 20 năm kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với những thành tựu về hạ tầng cơ sở như sân bay quốc tế được nâng cấp và mở rộng, hệ thống đường giao thông nội thị và liên tỉnh, hệ thống các cây cầu bắc qua sông Hàn..., hệ thống cơ sở lưu trú của Đà Nẵng cũng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. “Từ chỗ chỉ có 58 khách sạn năm 1997 với chưa đến 2.000 phòng, nay Đà Nẵng đã có gần 850 cơ sở lưu trú, hơn 38.000 phòng, tức tăng lần lượt 14 và 19 lần. Các tập đoàn quản lý khách sạn nổi tiếng thế giới như IHG (Intercontinental, Crowne), Accor (Novotel, Pullman, Mercure), Hyatt, Marriott, Hilton… đều đã có mặt, góp phần thay đổi diện mạo của thành phố”, ông Bình điểm lại.
Các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng cũng ngày càng đa dạng, chất lượng. Nhiều khu, điểm tham quan du lịch đã được bổ sung như: Khu làng Pháp, Fantasy Park, Cầu Vàng của Bà Nà Hills; các hoạt động vui chơi giải trí mới tại Sun World Danang Wonders; Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Helio Center; Cocobay… Các sự kiện văn hóa lớn như Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF); Lễ hội Cocofest 2016 liên tục được tổ chức, mở ra cơ hội cho Đà Nẵng trở thành một điểm đến tầm cỡ khu vực.
Những thách thức của một thị trường mới nổi
Tuy số liệu khách có dấu hiệu sụt giảm trong nửa đầu năm 2019, lượng khách tới Thái Lan vẫn cứ là niềm mơ ước với Việt Nam. Cả năm 2018, Việt Nam đón 15,6 triệu khách quốc tế, còn Thái Lan là 38,3 triệu. Riêng Pattaya hàng năm có thể đón khách bằng 63 tỉnh, thành của Việt Nam cộng lại.
Số liệu thống kê của du lịch Thái Lan cho thấy khách đến từ Bắc Mỹ vẫn chiếm đa số với mức độ chi tiêu cao. Tiếp sau là Trung Quốc, Nhật Bản, song ngay cả những khách hàng này cũng thường đặt phòng hoặc tour với chất lượng 4-5 sao, điều rất khác so với đối tượng tương tự tại Việt Nam. Nhưng người làm du lịch Thái Lan lo ngại nhất là để mất lượng khách châu Âu vào tay láng giềng, khi các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư như EVFTA hay IPA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực. Tuy vậy, việc ngành du lịch trong nước nói chung và những điểm đến như Đà Nẵng có thể nắm được lợi thế này không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận, với lượng khách đến, nhất là khách quốc tế, tăng cao thời gian qua thì bản thân thành phố cũng đứng trước những yêu cầu, thách thức nhất định. “Trước hết là áp lực lên việc xây dựng chính sách để theo kịp đà phát triển. Công tác quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn cũng quá tải, phát sinh nhiều vấn đề. Tiếp đó là thách thức về việc duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ, áp lực lên cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, giao thông công cộng cũng tăng lên. Đó là chưa kể đến thách thức về môi trường tự nhiên và xã hội, vấn đề về vệ sinh môi trường, rác thải, nước thải sinh hoạt…”, ông Bình liệt kê.
Chính những thách thức này khiến cho đà tăng trưởng khách quốc tế của Đà Nẵng có phần thiếu bền vững. Sáu tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng khách Hàn Quốc tới thành phố đã chậm lại, còn khoảng hơn 17%, so với 45% của năm 2018.
Một nút thắt quan trọng được những người làm du lịch trực tiếp tại Đà Nẵng chỉ ra là thành phố này gần như không có các hoạt động ban đêm, điều hoàn toàn trái ngược khi so sánh với những “đối thủ” đến từ Thái Lan. Chia sẻ với báo chí, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tiên Phong cho biết, chính vì không thể tìm được chỗ chơi đêm ưng ý cho du khách mà các tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm của công ty phải thiết kế cho khách ngủ 2 đêm tại Hội An để tránh cảm giác nhàm chán.
Để duy trì tăng trưởng khách quốc tế trong năm tới, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đã sẵn sàng một kế hoạch nhằm đa dạng hóa thị trường giai đoạn 2019 - 2021, trong đó tập trung vào phân khúc khách cao cấp ở các thị trường trọng điểm. Đặc biệt, vấn đề làm sao để đa dạng hóa các hoạt động ban đêmcũng được lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng nhắc đến.
Theo các chuyên gia kinh tế du lịch, kinh tế ban đêm như với trường hợp của Đà Nẵng không nên chỉ gói gọn trong chợ đêm, phố đi bộ, vũ trường, quán nhậu hay casino, karaoke... mà còn hàng loạt dịch vụ khác như dịch vụ vận tải, thương mại, thậm chí là giao dịch tài chính xuyên quốc gia do đặc thù múi giờ khác nhau. Bên cạnh đó, để đầu tư, khai thác vào “mỏ vàng” mới này của ngành du lịch, bên cạnh những chính sách hiện có, Đà Nẵng cần xây dựng được những giải pháp thu hút, kêu gọi những “con sếu đầu đàn” tiếp tục đầu tư, nâng tầm các điểm du lịch. Đây là điều mà thành phố đã và đang làm rất tốt những năm qua.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận