Sáng 25/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh công bố quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 2/11/2023.
Phát triển thêm khu vực logistics gần cảng Liên Chiểu
Theo quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền TP Đà Nẵng với diện tích tự nhiên 1.284,88km2.
Các cực trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng gồm: Trung tâm thành phố với trung tâm đô thị hiện hữu, tập trung chủ yếu tại các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, nhất là khu trung tâm mới sau khi tái thiết đô thị tại Khu công nghiệp Đà Nẵng.
Trung tâm công nghiệp công nghệ cao với Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Khu công nghệ thông tin tập trung (giai đoạn 1, giai đoạn 2) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang).
Trung tâm cảng biển và dịch vụ logistics tập trung phía Tây Bắc vịnh Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và ga trung tâm logistics đường sắt; khu logistics và ga hàng hóa phía Tây sân bay gắn với CHK quốc tế Đà Nẵng; các khu logistics phía Tây đường tránh Nam Hải Vân tại quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang.
"Nghiên cứu phát triển thêm một khu vực logistics ở gần cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu cảng biển trong tương lai", quyết định nêu.
Cũng theo quyết định, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn với hạ tầng và hệ thống phân phối đồng bộ, hiện đại, là trung tâm phát luồng hàng hóa của khu vực và cả nước.
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt bình quân 10-12%/năm; phát triển các ngành dịch vụ, thương mại liên quan đến du thuyền…
Về vận tải, logistics, Đà Nẵng phát triển các ngành logistics - vận tải, kho bãi tăng trưởng trên 11%/năm.
Phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics, cửa ngõ giao nhận, vận chuyển về đường bộ, đường biển và đường hàng không với các địa phương, quốc gia trên hành lang kinh tế Đông - Tây, trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Hình thành các trung tâm logistics hạng 1, hạng II và các trung tâm logistics chuyên dụng.
"Xã hội hóa các dịch vụ vận tải, vận tải đường thủy và các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân", quyết định nêu rõ.
Mở rộng cao tốc, kết nối lên Kon Tum
Để thực hiện các chỉ tiêu phát triển logictics, quy hoạch chung TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng nêu rõ, các tuyến đường đối ngoại của thành phố sẽ gồm cao tốc Bắc - Nam đoạn La Sơn - Hòa Liên, Hòa Liên - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng + Kon Tum, QL1A, QL14B, QL14G.
Trong đó, giai đoạn 2022 - 2025, cao tốc Hòa Liên - Túy Loan sẽ được đầu tư mở rộng với quy mô 4 làn xe, sau năm 2030 sẽ nâng lên 6 làn xe.
Cao tốc La Sơn - Hòa Liên giai đoạn 2026 - 2030 sẽ nâng lên 4 làn xe, sau 2030 sẽ đầu tư thành 6 làn xe.
Cao tốc Đà Nẵng - Kon Tum sẽ được đầu tư xây mới sau năm 2030.
Đường vành đai phía Nam gồm các đoạn cầu Cổ Cò - QL1A, QL1A - QL14B. Còn đường vành đai phía Tây nối từ QL14B đến cao tốc Hòa Liên - Túy Loan.
Sẽ có đường ngầm qua sân bay, hầm qua sông Hàn sau năm 2030
Cũng theo quy hoạch, từng giai đoạn Đà Nẵng sẽ đầu tư, cải tạo và xây dựng hệ thống đường trục chính đô thị.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, làm mới vành đai phía Tây; 2 (từ ĐT601 - ĐT 605); làm mới, cải tạo và mở rộng Vành đai Tây 1; làm mới Vành đai phía Tây 2; cải tạo, mở rộng tuyến ĐT605.
Làm mới đường Bà Nà - Suối Mơ nối dài; làm mới tuyến ngầm xuyên sân bay bằng hầm đường bộ và đường Võ Chí Công nối dài.
Giai đoạn 2031 - 2045, cải tạo, mở rộng đường Hòa Phước - Hòa Khương; Vành đai phía Tây; đường nối Vành đai Tây 2 tới cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Đường chính đô thị sẽ là tuyến nối đường số 2 KCN Hòa Khánh qua nghĩa trang thành phố và ga Đà Nẵng mới, được đầu tư xây mới trong giai đoạn 2021 - 2030.
Cũng trong giai đoạn này, sẽ đầu tư đường gom 2 bên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và nhiều tuyến đường liên khu vực như: Đường giữa Vành đai Tây 1 và Vành đai Tây 2; đường nối KCN Hòa Nhơn với Vành đai Tây 1, QL14B…
Đáng chú ý, giai đoạn 2031 - 2045 Đà Nẵng sẽ làm mới hầm qua sông Hàn với điểm đầu tại đường Đống Đa (quận Hải Châu), điểm cuối là đường Vân Đồn (quận Sơn Trà).
Đồng thời, sau năm 2030 sẽ làm mới đường nối vào cảng Liên Chiểu từ QL1A. Đường nối vào các trung tâm logistics và cảng cạn…
Đà Nẵng phải phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi đến năm 2030 đưa thành phố trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.
Cạnh đó, tập trung phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao.
Quy hoạch cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại và đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận