Bán đảo Sơn Trà, nơi được xem là lá phổi xanh của TP Đà Nẵng có loài vooc Chà vá chân nâu sinh sống cùng nhiều loại động thực vật phong phú khác |
Đà Nẵng đã vinh dự trở thành Thành phố Xanh Quốc gia của Việt Nam năm 2018 - một danh hiệu xứng đáng cho những chính sách và sáng kiến mà chính quyền thành phố và người dân đang thực hiện để trở thành một đô thị phát triển xanh và bền vững đi đầu trong cả nước. Danh hiệu này cũng cho phép Đà Nẵng, cùng 21 thành phố khác trên thế giới tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế để chọn ra một thành phố xuất sắc đạt giải Thành phố Xanh Toàn cầu.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết” “Chúng tôi rất vui khi những nỗ lực của thành phố và người dân được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ năm 2008, UBND thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”, trong đó các mục tiêu, tiêu chí Đề án cũng đã tính đến mục tiêu “Thành phố xanh” mà Quốc tế đang hướng đến. Dù chặng đường còn dài và nhiều thách thức, nhưng Đà Nẵng đã cam kết hành động quyết liệt vì một cuộc sống xanh, bền vững và thịnh vượng cho người dân, qua đó góp phần vào công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu mà cả thế giới đang thực hiện.”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn (phải) đại diện thành phố nhận bằng chứng nhận danh hiệu “Thành phố Xanh quốc gia Việt Nam” giai đoạn 2017-2018 từ ông Văn Ngọc Thịnh-Giám đốc Quốc gia WWF Việt Nam. |
Chương trình Thành phố Xanh Quốc tế là một sáng kiến của WWF (World Wide Fun for Nature - Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới) nhằm kêu gọi các thành phố trên khắp thế giới hãy hành động và hướng tới một hành tinh tương lai thân thiện với môi trường đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm nay có 132 thành phố đến từ 23 quốc gia trên thế giới dự thi Thành phố Xanh Quốc tế, trong đó, Việt Nam có thành phố Đà Nẵng, Đông Hà và Hội An tham gia và cả 3 đã vượt qua vòng loại cùng 37 thành phố khác trên toàn cầu.
Ông Marco Lambertini, Tổng giám đốc của WWF Quốc tế phát biểu: “Các thành phố có thể là hình mẫu và nguồn cảm hứng cho một thế giới bền vững. Những chính sách khí hậu tiến bộ của chính quyền địa phương sẽ giúp giảm tác động của giao thông, nhà ở và các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon khác lên tới môi trường, qua đó, tạo nên những thành phố xanh hơn, khoẻ mạnh hơn và đáng sống hơn cho con người.”
Hiện nay, hơn 50% dân số trên thế giới sống tại các khu vực thành thị và xu hướng này vẫn đang gia tăng nhanh chóng. Dự đoán, tới năm 2050 số người sống tại các thành phố sẽ lên tới 6 tỷ người, từ mức 3.5 tỷ người hiện nay. Khu vực đô thị cũng tạo ra 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Chính vì vậy, các thành phố đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một tương lai xanh và bền vững cho toàn cầu và WWF luôn nỗ lực song hành cùng họ để đạt được mục tiêu này. Phát triển từ năm 2011 đến nay, chương trình Thành phố Xanh Quốc tế đã thu hút được sự tham gia của hơn 400 thành phố đến từ 5 châu lục.
Được biết, cùng với Đà Nẵng, các thành phố Xanh Quốc gia 2018 khác đã được bình chọn bao gồm:Belo Horizonte, Brazil; Guadalajara, Mexico; Magdalena, Peru; Quito, Ecuador; Yasothon, Thailan; Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ; Melaka, Malaysia; Rajkot, Ấn Độ; Yokohama, Nhật Bản; Dar es Salaam, Tanzania; Jakarta, Indonesia; Moteria, Colombia; Santiago, Chile; Cleveland, Mỹ; Kampala, Uganda; Pachalum, Guatemala; Upsala, Thụy Điển; eThekwini, Nam Phi; Karachi, Pakistan; Pasig, Philippines; Vancouver, Canada và Đà Nẵng, Việt Nam
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận