Hệ thống điện lỗi thời, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Hãng tin AP đã phân tích hình ảnh, video hiện trường đám cháy trên đảo Maui, bang Hawaii và kết luận nguyên nhân đám cháy bùng lên diện rộng trên đảo hôm 8/8 có thể do gió mạnh làm đổ cột điện lâu năm làm bằng gỗ, khiến dây điện (không có lớp cách điện đúng quy chuẩn) rơi xuống thảm cỏ khô bên dưới.
Qua phân tích hình ảnh, video ghi nhận tại hiện trường, phóng viên hãng tin AP nhận thấy có hàng kilômét đường dây điện của Công ty Hawaiian Electric trên đảo Maui là dây điện không có lớp cách nhiệt, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm trong điều kiện thời tiết thường xuyên xảy ra bão và có cỏ cây dày đặc như ở Hawaii.
Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, thảm họa cháy rừng tại Hawaii có thể đã không xảy ra nếu đường dây điện của Công ty Hawaiian Electric đáp ứng tiêu chuẩn cách điện.
Ông Michael Ahern - cựu Giám đốc Học viện Worcester Polytechnic ở Massachusetts chỉ ra nếu dây cáp điện đáp ứng tiêu chuẩn cách điện thì trong trường hợp khẩn cấp ít khả năng phát ra tia lửa, gây cháy.
Những con số "biết nói"
Trong số 60.000 cột điện, phần lớn được làm từ gỗ, được sản xuất theo tiêu chuẩn lỗi thời từ những năm 1960 và chuẩn bị hết thời hạn sử dụng theo thiết kế.
Văn bản thống kê tình trạng hệ thống điện của Công ty Hawaiian Electric cho thấy, hàng chục nghìn cột điện trên đảo Hawaii hoàn toàn không thể đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia năm 2022 của Mỹ đó là phải có khả năng chống chịu sức gió mạnh 170km/h.
Trong một thông báo cách đây vài năm, Công ty Hawaiian Electric cho biết từ lâu đã ý thức được mối đe dọa từ các thảm họa thiên nhiên, khí hậu và đã chi hàng triệu USD để nâng cấp mạng lưới điện.
Theo đó, từ năm 2018, Hawaiian Electric đã chi 950 triệu USD để củng cố mạng lưới điện và 110 triệu USD để cắt tỉa cây cối trên đảo. Từ năm 2018 đến nay, công ty đã thay thế hơn 12.500 cột điện, cấu trúc điện, di dời cây cối khỏi khu vực dọc 4.000km đường dây điện trong mỗi năm.
Song, trong một văn bản ban hành năm 2019, Hawaiian Electric thừa nhận công ty chưa theo kịp tiến độ thay thế cột điện gỗ cũ do còn nhiều vấn đề khác cần ưu tiên.
Bà Jennifer Potter - cựu thành viên Ủy ban Tiện ích công cộng Hawaii cũng đánh giá nhiều cột điện gỗ trên đảo Maui đã xuống cấp trầm trọng, nghiêng ngả sau nhiều năm chịu tác động của gió mạnh.
Theo bà Potter, loại cột điện này không thể chống chịu trước sức gió khoảng 90, 100km/h chứ chưa nói đến sức gió từ trận bão Dora ở phía nam Hawaii vào đầu tháng 8.
Thống kê từ Giám đốc điều hành Hawaiian Electric Shelee Kimura cho thấy, tới ngày 14/8, khoảng 60% cột điện (tức 450/750 cột) tại West Maui vẫn đổ rạp và chưa được dựng lại.
Còn hiện nay, khí hậu đã biến đổi, các địa phương cần xây dựng năng lực ứng phó trong điều kiện thời tiết có gió mạnh và hạn hán kéo dài.
Hiện nay, Hawaiian Electric đang đối mặt với một số đơn kiện yêu cầu công ty chịu trách nhiệm cho thảm kịch cháy rừng chết chóc nhất tại Mỹ trong hơn một thế kỷ, với số người thiệt mạng hiện đã lên tới 115 người.
Hawaiian Electric cũng bị chỉ trích vì không ngắt điện dù đã có cảnh báo gió mạnh trên đảo và thậm chí vẫn không cắt điện ngay cả khi hàng chục cột điện đã gãy đổ. Ngày 24/8, chính quyền hạt Maui đã khởi kiện Hawaiian Electric về vấn đề này.
Trước đây, một số khu vực tại Mỹ đã ý thức nguy cơ gây cháy nổ từ hệ thống dây điện không có lớp cách điện đúng quy chuẩn nên áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro.
Chẳng hạn, sau vụ cháy Camp fire ở bắc California khiến 85 người thiệt mạng vào năm 2018 và trách nhiệm thuộc về công ty năng lượng Pacific Gas & Electric, chính quyền địa phương đã tiến hành chôn hàng trăm kilômét dây điện dưới lòng đất tại các khu vực nguy cơ cao và bọc lớp cách điện cho gần 2.000km đường dây điện.
Tương tự, Công ty Southern California Edison cũng triển khai cách điện cho mạng lưới điện trên cao ở những khu vực có nguy cơ hỏa hoạn cao hoặc chôn đường dây điện tại những vùng nguy cơ cao khác.
Năm ngoái, Hawaiian Electric từng cho biết đã tham khảo kế hoạch ứng phó cháy rừng của các cộng đồng ở California.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận