Xã hội

Đại biểu Quốc hội đề xuất lập đài truyền hình vùng

ĐBQH Đỗ Chí Nghĩa đề xuất hình thành đài truyền hình vùng hơn là sáp nhập báo với đài tỉnh khiên cưỡng.

"Chạy Grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu"

Sáng 7/1, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội thảo luận về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2020-2030, tầm nhìn 2050.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho biết, lĩnh vực báo chí, thông tin, trong đề án, báo cáo của Chính phủ nêu quy hoạch hình thành mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để có hỗ trợ cho phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa băn khoăn về 80% các cơ quan báo chí còn lại.

"80% các cơ quan báo chí điện tử ấy có quan trọng hay không? Có phải nếu chúng ta phân định như thế này sẽ dẫn tới sự phân tâm và đầu tư liệu đã hiệu quả?", ông Nghĩa nêu câu hỏi.

img

Đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Theo ông Nghĩa, bên cạnh đầu tư vào các cơ quan báo chí trực tiếp, với tinh thần "cần tinh chứ không phải đông"" thì chúng ta nên đầu tư theo đặt hàng các tác phẩm chất lượng cao.

Vị đại biểu đoàn Phú Yên cũng băn khoăn việc khuyến khích tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng. Nếu như các cơ quan báo chí sáp nhập lại thì việc xây trụ sở mới sẽ tốn kém hàng trăm tỉ đồng, bởi đài truyền hình riêng, báo riêng, cách vận hành khác nhau.

"Ưu tiên thúc đẩy phải là một cơ quan, phải là đa phương tiện thì phải xây một trụ sở để cả phát thanh, cả truyền hình cùng một chỗ. Không phải tỉnh nào cũng có nguồn lực như vậy", ông Nghĩa nói và đề xuất hình thành đài truyền hình vùng.

"Chúng ta đang quy hoạch và phát triển theo vùng, hình thành đài truyền hình vùng sẽ bớt được chi phí vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ cho một đài ở địa phương và tính liên kết, tầm nhìn rộng mở và hiệu quả hơn rất nhiều. Sẽ hơn là sáp nhập báo với đài tỉnh khiên cưỡng, có vẻ bớt được đầu mối nhưng thực ra cán bộ vẫn như vậy, hiệu quả hoạt động khó khăn hơn", ông Nghĩa nói.

Về trang thông tin điện tử, đại biểu Nghĩa hoan nghênh trong đề án Chính phủ đề xuất tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng một giấy phép. Hiện chúng ta đang tách riêng khi mạng xã hội được phép comment, bình luận nhưng không được phép đưa thông tin lên, trong khi đó trang thông tin điện tử thì ngược lại.

"Hiện các cơ quan báo chí đang đưa lên mạng thông tin của mình nhưng lại lo không quản được comment của bạn đọc, nên hầu hết phải đóng comment lại, khiến bài rất hay nhưng sức tác động, ảnh hưởng bị hạn chế. Tôi nghĩ cơ quan báo chí đã đưa thông tin lên mạng xã hội thì phải có phương thức linh hoạt hơn, chứ nếu mà chúng ta chạy Grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu", đại biểu Nghĩa nói.

img

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Cần tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nhìn nhận, định hướng phát triển các cơ sở báo chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, bản Quy hoạch đã xác định rõ ràng, chính xác và khoa học mục tiêu tổ chức sắp xếp hợp lý, tinh gọn mạng lưới cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở và xuất bản in.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt những định hướng đó, đại biểu Nga đề nghị không nên dùng từ "khuyến khích" trong việc tổ chức lại, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành trung ương, mà cần bỏ từ khuyến khích.

"Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, hết tháng 2/2022, cả nước có hơn 800 cơ quan báo chí, vì vậy vẫn còn sự chồng chéo, vi phạm. Cho nên việc tổ chức lại, sáp nhập các cơ quan báo chí là việc phải thực hiện mạnh mẽ trong thời gian tới, chứ không dừng ở mức độ khuyến khích", bà Nga nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.