Xã hội

Đại biểu Quốc hội lo ngại triển khai thu phí nội đô phải bù lỗ

21/10/2022, 10:50

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã bày tỏ quan điểm về việc triển khai Đề án thu phí vào nội đô mà Hà Nội đang đề xuất.

Liên quan đến dự thảo Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho biết, thu phí nội đô không mới, tuy nhiên phải xem xét điều kiện kinh tế - xã hội, hạ tầng giao thông của Hà Nội để có giải pháp một cách thích hợp, nếu không sẽ trở thành bắt chước một cách "ngây ngô".

img

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

"Ở các nước trên thế giới, thu phí nội đô chỉ thu một lần và văn minh giao thông, hạ tầng giao thông cũng như ý thức tự giác của người dân khác so với ở Việt Nam. Cho nên dù chỉ thu một lần nhưng trật tự giao thông được thể hiện rõ qua hiệu quả quản lý", đại biểu Vân nói.

Theo ông Vân, với dự kiến thu phí nội đô của Hà Nội qua 100 trạm kiểm soát như một lưới bủa vây nội đô, cần hết sức thận trọng vì chưa biết sẽ thu được bao nhiêu nhưng tiền chi cho đội ngũ quản lý sẽ tăng lên nhiều lần.

Lấy ví dụ TP.HCM trước đây thành lập ra đội quản lý thu phí dừng đỗ xe, đến nay phải bù lỗ, ông Vân cho biết, cần đánh giá một cách hết sức tổng thể tác động của việc thực hiện đề án, nhất là tác động đến nhân dân và cần lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi thông qua một tổ chức độc lập, theo Luật Trưng cầu dân ý để nắm được ý chí của nhân dân.

"Tôi rất lo ngại về đề án này vì với 100 điểm thu phí, dự toán khoảng 2.600 tỷ để xây dựng các trạm, chưa nói đến bộ máy hoạt động, tổng thể để chi cho việc thực hiện sẽ "đội" lên bao nhiêu trong khi chưa thể rõ sẽ thu được bao nhiêu. Bài học BRT vẫn còn đó, ở Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách đưa ra nhưng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng", đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Thay bằng thu phí nội đô như đề xuất của Hà Nội, vị đại biểu Cà Mau đề xuất áp dụng hình thức bán vé dán vào biển số xe để dễ kiểm soát, việc kiểm soát có thể giao cho CSGT và cảnh sát trật tự kiêm nhiệm thêm.

img

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội)

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cũng cho biết, giao thông Thủ đô thường xuyên ùn tắc, do đó, giải pháp để hạn chế các phương tiện cá nhân đi vào nội đô là cần thiết và thu phí nội đô cũng nhằm mục đích này.

Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân phải song song với phát triển phương tiện công cộng để người dân sử dụng thay thế, nếu chỉ riêng thu phí nội đô thì không giải quyết được.

Trước đó, cuối tháng 10, Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố đề án thu phí xe vào nội đô. Theo đề án, nhóm bị thu phí là ôtô từ bên ngoài vào trong khu vực nguy cơ ùn tắc giao thông (trừ xe ưu tiên, xe công an, quân đội, cứu thương, cứu hỏa, ôtô vận tải hàng hóa...).

Các phương tiện được miễn phí có điều kiện gồm xe hộ gia đình, ôtô của cơ quan công sở trong khu vực thu phí; một số trường hợp sẽ được giảm phí, trong đó có xe hợp đồng, xe du lịch, taxi...

Hà Nội dự kiến đặt 87 trạm thu phí tại 68 vị trí: Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - trục Tây Thăng Long - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - đường Hoàng Sa - đường Trường Sa - đường Lý Sơn - đường Nguyễn Văn Linh và khép kín vào vành đai 3.

Mức thu thấp nhất 50.000 đồng, cao nhất 100.000 đồng/lượt để bù đắp chi phí đầu tư, quản lý, vận hành và đủ tác động điều chỉnh hành vi người tham gia giao thông.

Sau khi đề án được công bố, một số chuyên gia giao thông đánh giá, việc thu phí xe vào nội đô sẽ là "bài toán khó" khi giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.