Hai vụ án không thống nhất cách xác định thiệt hại tài sản?
Chiều 21/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) nhắc lại ý kiến đã nêu sáng 20/11 về hai vụ án liên quan đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng trong các năm 2011, 2012.
Đó là vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vụ Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai".
Bà Thuý nhận định cả hai vụ không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại tài sản.
Theo bà Thúy, qua phát biểu, Chánh án TAND tối cao đã phản ánh 2 vấn đề: Thứ nhất, về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã có nghị quyết hướng dẫn xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội (Nghị quyết 03). Thứ hai, những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao mà trái với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán thì cần xem xét lại.
Clip: Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy nghẹn ngào khi tranh luận với Chánh án Nguyễn Hòa Bình về vụ Vũ "nhôm", Trần Văn Minh.
Đại biểu bày tỏ tin tưởng, tất cả cử tri được nghe những lời khẳng định của Chánh án sẽ giải tỏa được bức xúc lâu nay, thêm tin tưởng vào sự công minh, khách quan trong công tác xét xử. Tuy nhiên, sau giải đáp của Chánh án, cử tri có nêu thắc mắc vì lời giải đáp chưa rõ ràng.
Theo đó, Chánh án đã trả lời, trình tự xem xét lại những vụ án đã được xác định không đúng thời điểm gây hậu quả của hành vi phạm tội thì theo luật định, nếu muốn xem xét lại thì đại biểu phải làm đúng quy định, Tòa án không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường để xem xét lại vụ án, việc này không đúng trình tự tố tụng.
Nữ đại biểu đoàn Đà Nẵng này khẳng định, trong bài phát biểu không hề can thiệp vào trình tự tố tụng của tòa án, mà chỉ phản ánh ý kiến của cử tri về việc áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất trong xét xử hai vụ án cùng liên quan đến tài sản nhà nước tại Đà Nẵng. Từ đó đề nghị Chánh án làm rõ, vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với ba tài sản nhà nước ở ba vụ án đã nêu.
"Mỗi cán bộ đều là công bộc của dân, cần trân trọng lắng nghe ý kiến của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh", đại biểu Kim Thúy nghẹn ngào.
Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt nhiều tài sản ở TP.HCM và Đà Nẵng
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về thời điểm xác định thiệt hại, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 03, tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, thực hiện quy trình như quy trình làm luật. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật.
Với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, ông Nguyễn Hoà Bình cho rằng, nếu hai vụ án đó có vấn đề, việc xem xét cần theo đúng thủ tục, trình tự. Toàn dân đều có quyền phát hiện, kiến nghị, nhưng việc kiến nghị cần theo đúng quy trình, thủ tục.
"Không chỉ đại biểu Quốc hội mà toàn dân đều có quyền phát hiện và kiến nghị nhưng cần kiến nghị theo đúng quy trình, thủ tục. Đây là sự kiện tố tụng nên cần chuyên môn rất sâu, tôi đề nghị đại biểu nếu quan tâm đến điều này chúng tôi mời đại biểu đến TAND Tối cao để bàn lại trình tự thủ tục tố tụng và bàn lại nội dung vụ án, tránh mất thời gian của Quốc hội", ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Tham gia góp ý thêm về nội dung này, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, cần phải phân biệt chiếm đoạt khác với thiệt hại. Trong đó, thiệt hại cần xác định ở thời điểm khởi tố vụ án hay thời điểm tội phạm xảy ra - đây là vấn đề phải suy nghĩ.
Theo ông Lê Minh Trí, trên thực tiễn, liên quan đến khách thể bị xâm hại với hành vi xâm hại chiếm đoạt tài sản nhà nước là tài sản công, nhà đất công sản có việc: Trong một vụ án, đặc thù bất động sản lên giá rất nhanh, chỉ 5 - 7 năm lên 5-10 lần.
Tội phạm xâm hại hay chiếm đoạt 10 mặt bằng, nếu tính thời điểm hành vi phạm tội cách đây 10 năm, chỉ cần bán một mặt bằng thôi còn lại lãi 9 mặt bằng, nhưng làm gì có chuyện tội phạm còn có lãi.
Theo Viện trưởng Lê Minh Trí, cần phải phân biệt loại nhà đất công bị xâm hại là một dạng; dạng thứ hai là tội phạm xâm hại đến trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, thì thời điểm người phạm tội thực hiện hành vi này chưa xảy ra ngay hậu quả, mà hành vi này diễn ra một thời gian, đến khi bị phát hiện, ngăn chặn thì các công trình, dự án bị ngừng thi công… lúc đó mới phát sinh hậu quả.
"Phan Văn Anh Vũ chiếm đoạt nhiều tài sản ở TP.HCM và Đà Nẵng. Nếu tính ở thời điểm phạm tội, bị án này chỉ bán vài cái thôi là huề tiền, với số còn lại có khi giàu to. Bởi vì nhà đất tăng lên 10 lần rồi, anh chỉ tính ở thời điểm phạm tội cách đây 10 năm, tài sản lúc đó giả sử có một tỷ đồng thôi, giờ 20 tỷ đồng rồi", ông Trí nói.
Ông cho rằng, người ra quyết định hành chính nhưng quyết định đó vi phạm pháp luật để đối tượng chiếm đoạt tài sản của nhà nước, khi xử lý chúng ta lại dựa vào thời điểm ra quyết định hành chính vi phạm pháp luật đó làm căn cứ để tính giá trị thiệt hại của nhà nước thì không hợp lý.
Nhấn mạnh một lần nữa đây là vấn đề còn phức tạp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Chánh án nên chủ trì để làm sao xây dựng tiêu chí để xử lý những việc như đã nêu, làm sao cho sát hợp hơn.
"Tôi nghĩ Nghị quyết 03 không phải là sai nhưng chưa dẫn hết các tình huống trên thực tiễn", ông Trí nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận